I. CHIẾN DỊCH MÙA XUÂN 1975 – GIẢI PHÓNG HUẾ.
1. Bối cảnh và diễn biến chiến dịch:
Sau 20 năm tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miềnNam, cục diện chính trị và quân sự nước ta đã lớn mạnh vượt bậc. So sánh lực lượng thay đổi có lợi cho cách mạng miền Nam, tạo thời cơ lớn cho công cuộc giải phóng đất nước. Trước tình hình mới, Bộ Chính trị ra một nghị quyết lịch sử: Quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976, đồng thời dự kiến một phương án quan trọng khác: Nếu thời cơ đến đầu hay cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trên tinh thần đó, nhiệm vụ của chiến trường Trị Thiên - Huế là: Đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch, tạo ra ở Trị Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu uỷ, Tỉnh uỷ đã bàn phương châm tác chiến, kế hoạch, chỉ tiêu, các hướng tiến công, tranh thủ giành dân, giành quyền làm chủ ở địa bàn nông thôn một cách cụ thể với nhiệm vụ chính được xác định là:
- Tiêu diệt và làm tan rã địch.
- Đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của địch, giải phóng và giành quyền làm chủ 50% dân số ở đồng bằng.
- Chia cắt chiến lược và cải thiện thế chiến lược để thúc đẩy tình hình phát triển có lợi cho ta, tạo điều kiện để giành thắng lợi năm sau.
Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá và so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Đảng ta nhận rõ thời cơ giải phóng miền Nam đã chín muồi. Bộ Chính trị đi đến thống nhất giải phóng miền Nam trong 2 năm: 1975-1976. Quá trình nghiên cứu, phân tích tình hình, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược, mở màn cho chiến cuộc 1975 - 1976; bởi đây là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược, nếu ta giải phóng được Tây Nguyên, sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam. Để bảo đảm Chiến dịch chắc thắng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận mở đầu - trận then chốt quyết định.
Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ ngày 04-3-1975 đến 24-3-1975. Mở đầu chiến dịch này là cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột (11-3-1975). Bị choáng váng và sau khi các cuộc điều quân phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột đều bị đánh bại, ngày 14-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu ngụy đã hốt hoảng đi tới quyết định rút khỏi các tỉnh Plâycu, Kon Tum. Cuộc rút quân của địch đã biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Đến ngày 24 -3-1975, vùng chiến lược Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt.
Tây Nguyên thắng lợi là điều kiện tiên quyết để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới: Từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Sau khi mất Tây nguyên, địch hoang mang, co cụm phòng thủ chiến lược. Ở phía Bắc, chúng bỏ thị xã Quảng Trị để tập trung bảo vệ Huế. Nắm thời cơ chiến lược ta nhanh chóng giải phóng quảng Trị (19/3/1975) và quyết định chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế.
* Chiến dịch mùa xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế chia làm 2 đợt:
- Đợt 1: từ 5/3 đến 14/3/1975.
Với quyết tâm thực hiện triệt để lời căn dặn của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, chiến dịch Xuân Hè ở Trị Thiên Huế bắt đầu mở màn đợt 1 từ ngày 5 đến ngày 7/3/1975, các lực lượng của ta đã phối hợp đánh chặn xe địch trên đèo Hải Vân để cắt đứt tuyến giao thông Huế - Đà Nẵng, đánh sập cầu An Lỗ trên tuyến quốc lộ 1, cắt đứt sự chi viện của địch ra phía Bắc, đồng thời dùng pháo binh tấn công các mục tiêu ở Đồng Lâm. Cũng trong thời gian này, toàn bộ lực lượng của ta từ Phú Lộc đến Phong Điền, Quảng Điền đều đã bí mật triển khai kế hoạch ém quân về nông thôn, đồng bằng. Các cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, Thành uỷ đều về đồng bằng và các trọng điểm chiến dịch để giải quyết kịp thời những yêu cầu của chiến dịch, đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi. Tiếp sau các cuộc tiến công đồng loạt nổ ra từ ngày 5/3 trên chiến trường miền Nam và trên chiến trường Trị Thiên, bắt đầu từ ngày 8/3/1975, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nổi dậy khắp nơi từ Phú Lộc đến Phong Điền, bất ngờ đồng loạt tấn công địch. Cùng với những diễn biến nhanh chóng trên toàn cục, kết quả đợt 1 tiến công và nổi dậy đã làm cho địch ở Trị Thiên hoang mang, dao động mạnh và thời cơ mới đã xuất hiện.
- Đợt 2: Từ 21/3 đến 26/3/1975, quân ta tấn công theo 4 hướng: Tuyến phía Nam, tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây - Bắc Huế và tuyến phía Tây.
Trên cơ sở “kế hoạch thời cơ”, quyết tâm và phương án tác chiến giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị chu đáo, cụ thể, quân và dân toàn tỉnh tiến quân vào chiến dịch trên tinh thần quyết chiến quyết thắng. 5 giờ sáng ngày 21/3/1975, các lực lượng của Quân đoàn 2 đã đồng loạt nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam, cắt đứt giao thông quốc lộ 1 Huế - Đà Nẵng, chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Đêm 24/3/ 1975, Thành ủy Huế quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang chiến đấu giải phóng thành phố.
10 giờ 30 phút ngày 25/3/ 1975, cờ giải phóng đã tung bay trên cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu thành phố Huế được giải phóng.
Ngày 26/3/1975, tòan tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng.
Ngay sau khi giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng kiêm quân quản thành phố Huế do Thiếu Tướng Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy, Tư lệnh quân khu – làm Chủ tịch đã nhanh chóng tiếp quản thành phố và quản lý ổn định xã hội về mọi mặt.
2. Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch giải phóng Huế.
Thành phố Huế là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là thành phố lớn thứ 3 và là trung tâm chính trị, văn hóa lớn thứ hai của miền Nam nên có ảnh hưởng lớn về chính trị, quân sự lớn đối với toàn miền Nam cũng như trên bàn ngoại giao quốc tế. Huế còn là trung tâm chính trị đầu não của chính quyền Mỹ - ngụy ở Bắc trung phần; là lá chắn bảo vệ và ngăn chặn sự tiến công chi viện của quân và dân ta từ hậu phương lớn miền Bắc vào, là hậu cứ tiền phương của địch, nơi chỉ huy, tổ chức các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ra chiến trường Trị Thiên và miền Bắc. Mỹ - Ngụy đã xác định, mất Huế đồng nghĩa với mất miền Trung, là nguy cơ lớn đối với miền Nam.
Thành phố Huế được giải phóng đã cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước, có ảnh hưởng lớn về chính trị trên thế giới. Thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung được giải phóng là ta đã đập tan lá chắn chiến lược “ngăn chặn miền Bắc” của địch ở phía Bắc, phá tan kế họach “phòng ngự co cụm chiến lược mới” của chúng ở đồng bằng ven biển miền Trung sau khi đã thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên – Buôn Ma Thuật, góp phần đẩy nhanh quân Ngụy vào vực thẳm hỗn lọan, sụp đổ về chiến lược, tư tưởng và tổ chức. Với thắng lợi đó, thành phố Huế và quân dân tòan tỉnh đã trở thành hậu phương trực tiếp chi viện và tạo đà tiến công mạnh mẽ về quân sự ở Đà Nẵng, đưa chiến dịch Huế - Đà Nẵng - một trong ba chiến dịch lớn của quân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đến thắng lợi hòan tòan, góp phần vào sức mạnh tổng hợp của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hòan tòan miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Chiến công to lớn của quân và dân thành phố Huế đã được Trung ương Đảng, Chính phủ gửi điện khen “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước nghiêm trọng. Các đồng chí đã làm rạng rỡ truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước ta”
II. CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ.
1. Diễn biến chiến dịch:
Ngay sau khi giải phóng Thừa Thiên Huế, từ ngày 26 - 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An (29/3), làm thay đổi hẳn cục diện và so sánh thế trận lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Ngày 1/4/1975, giải phóng Bình Định, Phú Yên. Ngày 3/4/1975, giải phóng Khánh Hoà nối liền vùng giải phóng từ Tây Nguyên, Trị Thiên và các tỉnh Trung Bộ.
Trên cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.
Ngày 7/4 Bí thư Quân uỷ Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ thời gian từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết chiến và quyết thắng". Ngày 14/4/1975, Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.
Để chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, một lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một trung đoàn tên lửa, hai sư đoàn ô tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch.
Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; các đồng chí Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh, Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy, Lê Ngọc Hiền - quyền Tham mưu trưởng.
Chấp hành chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xác định: “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”.
Bộ Tư lệnh xác định hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng bắc và tây bắc, trong đó hướng tây bắc là chủ yếu nhất. Hướng đông và tây nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Dinh Độc Lập.
Ngày 25/4, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản đã hoàn thành, các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
Trước đó, ngày 21/4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng”.
Ngày 26/4, Trần Văn Hương từ chức để nhường chỗ cho con bài chót của Mỹ là Dương Văn Minh. Song âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Giờ chết của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.
17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã sử dụng đòn tấn công quân sự rất mạnh, áp đảo quân địch, đi trước một bước thúc đẩy, hỗ trợ, tạo đà cho đòn nổi dậy của quần chúng; tạo uy lực lớn lao và thanh thế vang dội của đòn tiến công quân sự của các cánh quân chủ lực; phá vỡ hệ thống ngụy quyền cơ sở, cùng với đòn quân sự đập tan ý chí đề kháng của địch.
Từ ngày 26 đến 28/4, ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, thực hiện bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thêm thế có lợi để thực hành tiến công trên toàn mặt trận.
Ngày 29/4, đòn quân sự của ta đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ 1 dù, lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch Trong khi đó, các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương đã phá hủy các trận địa pháo, đánh chiếm các đồn bốt, chiếm giữ các cầu vùng ven.
Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của ta đã thọc sâu hùng mạnh, tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược của địch, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng - Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn.
2. Ý nghĩa lịch sử:
a. Đối với nhân dân ta:
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Kết thúc vẻ vang 21 năm chiến đấu chống Mỹ và 30 năm kháng chiến gian khổ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ cách mạng Tháng Tám 1945, trong suốt chặn đường đấu tranh kiên cường bất khuất của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với thắng lợi này đã chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta độc lập, thống nhất, rửa sạch cái nhục và nỗi đau mất nước hơn một thế kỷ. Trên cơ sở đó, hoàn toàn về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, mở ra thời kỳ phát triển mới, cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã nâng lên tầm cao truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường, ý thức tự lập, tự cường, tự hào dân tộc, thể hiện trí thông minh, sự sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử dân tộc.
b. Đối với thế giới:
Thắng lợi của cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 vừa là kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng đồng thời là kết thúc cuộc trường chinh 30 năm không nghỉ vì độc lập tự do và thống nhất tổ quốc của dân tộc Việt Nam; là thiên anh hùng ca bất hủ của thời đại Hồ Chí Minh “Mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu trưng sáng ngời về toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của con người, và đi vào lịch sử thế giới như là một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20; một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã đập tan cuộc phản kích lớn nhất vào lực lượng cách mạng sau chiến tranh thế giới thứ hai của tên đế quốc đầu sỏ, phá vỡ phòng tuyến quan trọng ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á của đế quốc Mỹ, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, làm lung lay vị trí chính trị của Mỹ trên trường quốc tế sau chiến tranh Việt Nam. Thắng lợi của nhân dân ta đã tác động mạnh đến nội tình nước Mỹ và cục diện thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, các dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước.