Cụ thể như: Luật Biển Việt Nam chỉ có một chương quy định về phát triển kinh tế biển nhưng mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.
Thêm vào đó, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng bờ (vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ) do thiếu các quy định và công cụ hiệu quả để triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ (Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ,…) nên dẫn đến tình trạng một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức, đồng thời ảnh hưởng tới các chức năng khác của vùng biển, làm cho tài nguyên biển và hải đảo dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... bị tổn thương, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản...
Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Biển có tính chất đặc thù, là không gian liên thông; tài nguyên biển có tính chất chia sẻ; chất lượng môi trường biển bị chi phối rất mạnh bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ở khu vực ven bờ…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý những quy định hiện hành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, đồng thời bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan.
Quy định rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo
Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có 89 điều thể hiện trong 10 chương quy định về quản lý tổng hợp, thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các nội dung được quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo với các quy định có liên quan trong các luật chuyên ngành và đều là những vấn đề cốt yếu, là công cụ quan trọng để triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các nội dung được quy định trong dự thảo lần này phần lớn đều đã có thực tiễn thực hiện trong thời gian qua.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý tại đây.