Vì thế du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú, thưởng ngoạn những đền đài, lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào, sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế, đặc sắc này.
Ngày nay, du khách đến Huế ngày một đông, nhu cầu thưởng thức ca Huế trên sông ngày một lớn. Vì thế, ca Huế trên sông đã trở thành một dịch vụ du lịch hái ra tiền, dẫn đến tình trạng "trăm hoa đua nở” dịch vụ phát triển đến mức không kiểm soát được. Không khí ở các bến thuyền thật rộn ràng, tấp nập với rất nhiều thành phần như: ca sĩ, nhạc công, bầu sô, chủ thuyền, du khách và tất nhiên, thành phần không thể thiếu là… cò. Phía dưới sông thì cơ man nào là thuyền rồng, thuyền đôi, thuyền đơn. Bước chân lên khoang thuyền ca Huế sao nghe khác lạ quá chừng. Thuyền san sát thuyền, cùng với tiếng la hét của những chủ thuyền để tránh nhau…
Hiện tại ngoài 4 đơn vị của Nhà nước được phép tổ chức các tour ca Huế trên sông (Nhà văn hóa Huế, Câu lạc bộ ca Huế, Đoàn ca kịch Huế và Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế), thì còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân... có thuyền rồng, thuyền phụng chưa có giấy phép vẫn tham gia vào dịch vụ này. Từ năm 2000 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục có các chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, trong đó, quy định cụ thể thời gian biểu diễn của một "sô” ca Huế, mức thù lao cho diễn viên, nhạc công, số lượng ca sĩ, nhạc công trong một "sô” diễn… cũng như nghiêm cấm các hành vi tiếp thị, mua bán các sản phẩm ăn theo, nài ép du khách dưới mọi hình thức.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng của tỉnh đã thẩm định và cấp phép cho gần 500 nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này có người đang hoạt động tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và cả những người không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thù lao cho các nghệ sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế tối thiểu là 150 nghìn đồng/người/suất diễn (được áp dụng từ ngày 1-5-2013). Quyết định nói trên đã "gỡ” được nhiều khó khăn cho đời sống của các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ca Huế lâu nay. Những việc làm này đã có tác dụng "xốc” lại loại hình nghệ thuật độc đáo và quý giá này, để nguy cơ du khách quay lưng lại với ca Huế sẽ không xảy ra.
Để chuẩn bị cho Festival Huế 2014 sắp diễn ra, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Tổ liên ngành phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương. Công việc này đã bắt đầu từ ngày 23/3 đến sau Festival. Ông Cao Chí Hải - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổ trưởng Tổ liên ngành cho biết: Tổ chia thành 2 nhóm, tập trung kiểm tra, xử lý việc buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo, đeo bám, nài ép, cò mồi du khách nghe ca Huế dưới dạng du thuyền ghép khách trái quy định tại khu vực bến Tòa Khâm và tình trạng các em nhỏ chèo ghe bám theo các thuyền ca Huế xin tiền trên sông Hương. Đoàn cũng đã kiểm tra quy định phục vụ ca Huế tại hơn 50 thuyền và kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các thuyền phải niêm yết giá, đảm bảo không gian biểu diễn, thời lượng biểu diễu, thái độ phục vụ du khách, vị trí neo đậu biểu diễn của thuyền ca Huế... Qua kiểm tra, Tổ đã lập biên cảnh cáo, nhắc nhở và xử phạt hành chính đối với một số thuyền vi phạm các quy định trong tổ chức, hoạt động biểu diễn ca Huế; đồng thời đã chấn chỉnh các nhóm ca Huế về chất lượng biểu diễn, thái độ phục vụ du khách.
Sau 1 tuần ra quân kiểm tra, hoạt động ca Huế trên sông Hương đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng ăn xin đeo bám, hàng rong, nài ép, cò mồi ca Huế; chất lượng biểu diễn, phục vụ tốt hơn, đảm bảo 1 suất diễn đủ 60 phút (không kể giải lao và di chuyển) và đủ các bài bản, nhạc cụ theo quy định. Theo ông Hải, trong thời gian từ 16h đến 23h, các nhóm của Tổ sẽ luân phiên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động biểu diễn ca Huế, nhất là trong dịp Festival Huế 2014.