Mùa xuân năm 1975 đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam với những cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta từ những ngày đầu tháng Giêng đến 30/4/1975 bằng ba chiến dịch nối tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3) và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975).
Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975 (ảnh TL)
Mùa xuân năm 1975 đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam với những cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta từ những ngày đầu tháng Giêng đến 30/4/1975 bằng ba chiến dịch nối tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3) và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975).
Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975 (ảnh TL)
1. Chiến dịch Tây Nguyên với sứ mệnh mở màn chiến thắng lịch sử
Mặt trận Tây Nguyên đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam dự kiến là hướng đột phá chủ yếu trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam trong 1975-1976. Thực hiện kế hoạch này, từ ngày 4 đến ngày 9-3-1975, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh B3 QĐNDVN tiến hành các hoạt động kiềm chế chủ lực Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Bắc Tây Nguyên bằng các cuộc pháo kích khu vực Pleiku, Kon Tum trong 6 ngày; cắt đứt đường 19 tại ba điểm ở cả phía Đông và Tây Pleiku, cắt đường 14 ở Ea H’Leo, cắt đường 21 ở phía Đông Chư Cúc. Các cứ điểm phòng ngự từ xa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lần lượt bị đánh chiếm: Azun hạ, đèo Thượng An (ngày 4-3); Chư Sê (ngày 7-3); Thuần Mẫn (ngày 8-3); Núi Lửa, Đức Lập (ngày 9-3). Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng không vận đưa Liên đoàn 21 biệt động quân từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. Đơn vị này phối hợp với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23 QLVNCH) hành quân lên Buôn Hồ để bảo vệ phía bắc Buôn Ma Thuột nhưng không lấy lại được Đức Lập. Đến chiều ngày 9-3, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn bị cô lập về đường bộ với các khu phòng thủ khác trên địa bàn Quân khu II do Quân đoàn II – QLVNCH kiểm soát.
2 giờ sáng, ngày 10-3, lực lượng bộ binh của các Sư đoàn 10 và 316 quân giải phóng được tăng cường Trung đoàn 198 đặc công và Trung đoàn tăng - thiết giáp 273 dưới hỏa lực yểm hộ của hai trung đoàn pháo binh của các sư đoàn tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11 tháng 3, thị xã này thất thủ. Ngày 12 tháng 3, Quân đoàn II (QLVNCH) điều động các Trung đoàn bộ binh 44, 45 (Sư đoàn 23), Liên đoàn 21 biệt động quân và bộ phận còn lại của Trung đoàn 53 với sự yểm hộ của Sư đoàn 6 không quân phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột. Cuộc phản kích không thu được kết quả do các Trung đoàn 44, 45 của địch bị Sư đoàn 320A (QĐNDVN) phản kích vào phía sau đội hình hành quân và cầm chân tại Cẩm Ga, Thuần Mẫn trên đường 14; liên đoàn 21 biệt động quân và tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 53 bị các lực lượng của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 đã đánh chiếm Buôn Ma Thuột tấn công chính diện, bao vây và tiêu diệt tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). Ngày 17 tháng 3, những cố gắng cuối cùng để tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch đã hoàn toàn thất bại.
Sáng 14 tháng 3, tại Cam Ranh, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho trung tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II - Quân khu II triệt thoái các lực lượng QLVNCH ra khỏi Tây Nguyên. Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa gần như mất toàn bộ địa bàn Tây Nguyên (trừ tỉnh Lâm Đồng). Mở màn chiến dịch này cũng là bước mở màn sụp đổ của chế độ ngụy quân ngụy quyền tại miền Nam.
2. Tây Nguyên hôm nay
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 54.700km2 (chiếm 16,3% diện tích cả nước), dân số gần 5,2 triệu người, là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta. Ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên tuyến hành lang Đông - Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội, vì vậy Tây Nguyên có điều kiện để phát triển một nền kinh tế mở. Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho hay: Sự phát triển của vùng Tây Nguyên trong 10 năm gần đây, với sự đầu tư của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông. Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa... đáp ứng trên 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp, đã nâng cấp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 4.000km. Nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hoá. Trên 91% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm đi được cả hai mùa; 98% số thôn buôn có điện lưới quốc gia; 100% số xã đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá, phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin viễn thông. Kinh tế Tây Nguyên phát triển với tốc độ khá cao, tăng trưởng GDP bình quân từ 2001 đến nay duy trì mức trung bình 11,9%/năm.
Ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột là một thị xã nghèo, cơ sở hạ tầng đơn sơ, kinh tế manh mún, lạc hậu, đời sống của gần 13 vạn dân vô cùng thiếu thốn, dịch bệnh hoành hành, tỷ lệ người mù chữ cao. Từ đói nghèo, Buôn Ma Thuột nay đã trở thành đô thị trung tâm có sức lan tỏa cả một vùng đất Tây Nguyên tràn đầy sức sống.
Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2010) cũng là dấu mốc ghi lại thời điểm Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Buôn Ma Thuột vươn tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. đóng góp tích cực vào quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa của đất nước.