Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Cần sớm có tên đường Võ Nguyên Giáp tại Huế
Ngày cập nhật 04/05/2014

 (TTH) - Thời gian gần đây, trong không khí cả nước sôi nổi những hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) với các hội thảo tại Điện Biên và Hà Nội, tổ chức tuần văn hoá, xuất bản sách quanh chủ đề ĐBP…, thành phố Huế liên tục có những cuộc họp lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về việc đặt tên thành phố và các quận khi tỉnh Thừa Thiên Huế được Quốc hội chấp thuận chuyển thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Hai sự kiện nhìn qua tưởng như không liên hệ gì với nhau, nhưng ngẫm kỹ lại có mối tương đồng. Có thể nói, cả hai là “điểm son” trên bản đồ Việt Nam được cả thế giới chú ý - ĐBP thì nhờ có chiến thắng “chấn đồng địa cầu”, còn Huế là “Di sản văn hoá của nhân loại”. Nói cách khác, ĐBP và Huế đều góp phần làm rạng danh Việt Nam. Đã có không ít người nói rằng: “Đến Việt Nam mà không thăm Huế thì coi như chưa biết Việt Nam!” Chính là với vị thế và đặc thù đó, tuyệt đại đa số ý kiến cho rằng, khi tỉnh Thừa Thiên Huế được chuyển thành thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi duy nhất xứng đáng phải là “Huế”. Còn không ít bạn bè quốc tế, ngay cả trên đường phố Paris, sau ngày 7/5/1954 đã reo vang “Việt Nam-ĐBP-Hồ Chí Minh-Giáp”!

Đường Võ Nguyên Giáp tại thành phố Đồng Hới
Chiến thắng ĐBP là công lao của hàng vạn, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ, nhưng nhắc đến ĐBP, tên tuổi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (VNG) luôn được đặt ở hàng đầu; cũng gần như khi nói đến Việt Nam, không thể quên Huế! Và một điều thật đặc biệt: Chính thành phố Huế lại là cái “nôi” đào luyện cậu thiếu niên họ Võ quê Lệ Thủy (Quảng Bình) trở một chiến sĩ cách mạng.
Theo tác giả Hồng Cư (Sách “Võ Nguyên Giáp thời trẻ” - NXB Thanh niên, 2004), “cậu thiếu niên” họ Võ đặt bước chân đầu tiên trên đất Huế từ năm 1925, khi mới 12 tuổi, đỗ thứ nhì trong cuộc thi tuyển vào Trường Quốc Học Huế. Chỉ cần nhắc tên tuổi một vài học sinh cùng thời như Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Thúc Hào, ở lớp trên có Tạ Quang Bửu, Phan Bôi (em Phan Thanh)… đã thấy cậu đã được sống và học hành trong một môi trường ưu việt.
Đặc biệt hơn, chính trong năm học 1925-1926, VNG bắt đầu được “tắm” trong bầu không khí chính trị sôi động ở kinh đô Huế với hai phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Và chính VNG cùng với Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Khoa Văn và một số bạn học khác đi vận động lấy chữ ký vào đơn gửi Toàn quyền Varen đòi thả cụ Phan. Sau đó, hàng tuần, cứ đến thứ năm, VNG cùng các bạn kéo nhau đến nơi an trí cụ Phan trên dốc Bến Ngự, để nghe cụ bình văn, ngâm thơ, nói chuyện thức dậy lòng yêu nước của lớp trẻ… Trong năm 1927, khi học sinh Nguyễn Chí Diễu vô cớ bị đuổi học, VNG cùng với Nguyễn Khoa Văn đã phát động học sinh bãi khóa. Sau vụ này, 90 học sinh Huế bị đuổi học, mà VNG đứng hàng đầu cùng với Nguyễn Chí Diễu, Nguyễn Khoa Văn, Phan Bôi…
Có thể nói, từ mùa thu 1928, khi VNG trở lại Huế, sau một thời gian “lánh nạn”, anh đã sống cuộc đời một chiến sĩ cách mạng, ban đầu với chân thư ký tại quán sách “Quán hải tùng thư”, đặt trên bờ sông Đông Ba, do giáo sư Đào Duy Anh sáng lập. Đây cũng là trụ sở của Đảng Tân Việt. Tại đây, VNG đã được đọc rất nhiều sách báo về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, rồi được cử làm biên tập viên báo “Tiếng Dân”…
Cũng theo cuốn sách đã dẫn, từ đây, hoạt động của VNG tại Huế chủ yếu gắn với những hoạt động của “Tân Việt cách mạng đảng” (lúc đó do giáo sư Đào Duy Anh làm Tổng Bí thư; trong Tổng bộ Tân Việt còn có Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diễu, Đặng Thái Mai…; VNG là ủy viên trẻ nhất của Tổng bộ) cho đến lúc một nhóm hạt nhân cộng sản gồm Nguyễn Chí Diễu, VNG, Đặng Thái Mai tách ra, dự định thành lập tổ chức cộng sản… Cũng chính trong thời gian này, VNG tìm thấy tình yêu đầu tiên của đời mình với Nguyễn Thị Minh Thái (em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) nhưng ông đã bị bắt tại Huế khi đang hoạt động vận động góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ…
Chỉ nhắc lại từng đó, chúng ta đã thấy những năm ở Huế có ý nghĩa rất quan trọng rèn đúc ý chí cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước và kiến thức cho cậu thiếu niên họ Võ lần đầu vượt thoát khỏi lũy tre của làng quê, để đến với một trung tâm của những cuộc vận động, những phong trào cách mạng đang sôi sục lôi cuốn bao lớp người, trước hết là những thanh niên quyết “đúc gan sắt để dời non lấp bể / Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” như lời kêu gọi của cụ “Phan Bội Châu, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập” ( Lời của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc).
Từ đó, chúng ta có thể thấy, để có một VNG với “ĐBP chấn động địa cầu”, một danh tướng sống mãi trong lòng nhân dân như hôm nay, có nhiều nhân tố và “cơ duyên”, nhưng một điều hiển nhiên là những năm tháng chàng VNG thanh xuân học hành và hoạt động tại Huế đã tạo những cơ sở ban đầu đặc biệt quan trọng, vì đó là lứa tuổi chủ yếu hình thành nhân cách, tài năng của một con người - có thể nói, đó như là nền móng vững chắc để xây nên một tòa nhà cao lớn.
Chính vì thế, ngay bên lề cuộc họp tại UBND tỉnh triển khai lấy ý kiến các trí thức, văn nghệ sĩ về “tên gọi của thành phố, các quận và phương án tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương” để trình lên Chính phủ, Quốc hội, tôi đã nêu ý kiến “Huế cần sớm đặt tên đường VNG” với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện và PGS.TS Đỗ Bang. Nhà sử học Đỗ Bang tỏ ý tán đồng và cho biết đã đề xuất chọn con đường mang tên VNG…
Huế là thành phố đầu tiên trong cả nước đặt tên đường Trịnh Công Sơn và Phùng Quán. Theo “truyền thống” đó, đáng lẽ sau Quảng Bình thì Huế nên là thành phố đầu tiên tiếp theo có tên đường VNG. (Được biết, từ 12/12/2013, Quảng Bình đã chọn con đường lớn nhất Đồng Hới chạy từ Bảo Ninh đến Võ Ninh đặt tên VNG.) Vậy nhưng thành phố Cần Thơ lại có tên đường VNG từ 13/12/2013, rồi Vũng Tàu, Lào Cai cũng đã có tên đường VNG. Đà Nẵng thì đã chọn con đường đẹp nhất thành phố nối liền đường Hoàng Sa - Trường Sa đặt tên VNG từ ngày 18/12/2013! Và tỉnh Hậu Giang thì đã xây dựng mới đưa vào thời gian sử dụng nhanh nhất con đường đẹp nhất tỉnh mang tên Đại lộ VNG từ 2/1/2014… Xin dẫn ra như thế để thấy việc “Huế cần sớm đặt tên đường VNG” là một điều đương nhiên, nếu không muốn nói là cấp thiết.
Thiết nghĩ đây là việc làm đẹp nhất của Huế trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng ĐBP. Tất nhiên, cơ quan tham mưu và HĐND tỉnh cần phải cân nhắc chọn con đường nào cho tương xứng với vị trí của VNG trong lịch sử dân tộc cũng như trong mối quan hệ đặc biệt giữa VNG với Huế. Con đường đi ra phía biển? Đường đi ra cửa ngõ phía bắc thành phố? Hay đường tránh đi qua thành phố hiện chưa có tên?... Hẳn là còn những “phương án” khác có ý nghĩa. Nghĩa là dự trữ tên đường của Huế đủ điều kiện để thực hiện công việc vừa nêu - một nghĩa cử hợp lòng dân và xứng đáng với Huế - một trung tâm văn hoá và du lịch của cả nước.
Thông tin TT- Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 320.067
Truy cập hiện tại 273