A. TRUYỀN THÔNG NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, QUY ĐỊNH, VĂN BẢN CỦA NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC Y TẾ
1. Công văn hướng dẫn của Bộ Y tế về việc Tổ chức Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển.
2. Công văn số 667/DP-DT ngày 23/8/2019 của Cục Y tế dự phòng về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường.
3. Công văn số 576/TCDS-KHHGĐ ngày 06/9/2019 của Tổng cục Dân số kế hoạch hoá gia đình về hướng dẫn tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái.
B. TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để chủ động phòng, chống nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong dịp thu đông, Sở Y tế triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe sau:
1. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một ước tính gần đây cho thấy có 390 triệu trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết Dengue mỗi năm, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện nay bệnh đang tăng nhanh theo mùa mưa, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam và miền Trung, bệnh đang tăng mạnh và có nhiều trường hợp tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh, trong khi đó tập quán trữ nước tại nhiều khu vực vẫn còn, do vậy nhiều khả năng sẽ xuất hiện các ổ dịch nhỏ và có thể lan rộng, kéo dài nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống.
Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống như diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết. Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống SXH đặc biệt những huyện, thị xã, thành phố có số mắc cao để phát hiện sớm các ổ dịch; hướng dẫn diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
2. Bệnh Tay chân miệng
Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 3-5 và từ tháng 9-10. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng đang có xu hướng tăng lên và diễn biến phức tạp, nhất là khu vực phía nam. Do đó, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm chùm ca bệnh/ổ dịch tại cộng đồng cũng như tại trường học và các nhóm trẻ gia đình để kịp thời xử lý, nhất là vào thời gian năm học mới bắt đầu. Để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:
a. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
b. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
c. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
d. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
e. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
f. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục Đào tạo kiểm tra, giám sát hoạt động và tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh Tay chân miệng, đặc biệt khu vực trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học để phát hiện sớm các ổ dịch.
3. Bệnh Liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Người mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh thông qua các vết trầy xước trên da của người giết mổ lợn hoặc do ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn liên cầu lợn như ăn thịt lợn bị bệnh mà nấu chưa chín, đặc biệt là ăn tiết canh, nem chua… hoặc do môi trường không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Người mắc bệnh thường có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó cần tăng cường truyền thông đến người dân những biện pháp phòng ngừa bệnh chủ động như sau:
- Chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
- Thịt lợn mua về cần nấu chín. Tuyệt đối không ăn thịt chưa nấu chín, thịt tái, thịt sống, tiết canh, nem chua…
- Người giết mổ, phân phối, chế biến thịt lợn, phủ tạng lợn cần phải mang găng tay.
- Giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
- Khi nghi ngờ mắc bệnh do liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.
4. Bệnh Sởi
Hiện nay, số trường hợp mắc sởi tại các địa phương không nhiều, tuy nhiên vào thời thời điểm năm học mới bắt đầu, học sinh tập trung với số lượng lớn, có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Do vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm KSBT tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca sốt phát ban nghi sởi mới mắc, phối hợp với các đơn vị y tế tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh sởi chủ động trong cộng đồng để ngăn dịch bùng phát trở lại.
Để phòng bệnh sởi có hiệu quả, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi theo quy định trong chương trình tiêm chủng quốc gia (mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi).
Đa số người mắc bệnh sởi có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện trừ một số trường hợp do bệnh gây biến chứng cần được điều trị tại bệnh viện, do vậy cần truyền thông hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà và cách phát hiện sớm những biến chứng để điều trị kịp thời tránh tử vong cũng như biết cách phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
5. Bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do vi-rút Adeno là tình trạng nhiễm trùng mắt, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.
Theo báo cáo giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế Dự phòng các tỉnh/ thành phố), hiện nay một số địa phương đang xuất hiện nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ, bệnh có nguy cơ gia tăng và lan rộng, đặc biệt tại các trường học, nhà trẻ mẫu giáo. Nếu không tăng cường phòng, chống, bệnh dịch sẽ lây lan mạnh hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập của người dân. Do đó, người dân cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
a. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
b. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
c. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
d. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
e. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Vào năm học mới các đơn vị y tế cần phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo và các cơ quan thông tin đại chúng triển khai truyền thông các biện pháp chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, không để dịch bùng phát và lây lan.
6. Bệnh Melioidosis (Whitmore)
Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitemore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính. Bệnh Whitemore ghi nhận số mắc nhiều tại Úc, Đông bắc Thái Lan. Tại khu vực Đông Nam Á, các nước Malaysia, Singapore, Cambodia, Lào và Việt Nam cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh Melioidosis, ngoài ra còn ghi nhận mắc tại bán lục địa Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, một số quốc gia khu vực của châu Mỹ còn ghi nhận. Tại Viêt Nam, bệnh Melioidosis được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP. HCM, sau đó là Hà Nội, Huế. Hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Melioidosis tại Việt Nam, có ghi nhận số mắc tại nhiều đia phương và các trường hợp nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể có sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa… Bệnh Whitemore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh Ưhitemore dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch…. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Chẩn đoán bệnh Whitemore dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm. Điều trị căn nguyên gây bệnh Whitemore bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện:
1. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
2. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
3. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
4. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
C. CÁC ĐỢT CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG TRONG THÁNG
1. Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2019 - 1/10/2019 - IDOP (International Day of Older Persons)
Trên thế giới, gần 700 triệu người thuộc nhóm từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2050, con số này đạt khoảng 2 tỷ người, trên 20% dân số thế giới. Xu hướng gia tăng dân số người cao tuổi có tốc độ nhanh nhất ở các nước đang phát triển, châu Á là khu vực có số người cao tuổi nhiều nhất.
Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số.Theo kế hoạch, Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam 2019 sẽ thực hiện từ ngày 1.10 đến ngày 30/10/2019 với chủ đề “Quan tâm, chăm sóc và phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi – Chủ động thích ứng với già hoá dân số”.
2. Ngày Thị giác thế giới – World Sight Day (11/10/2019)
Theo thống kê, trên thế giới, ước tính có khoảng 285 triệu người bị mù lòa và có vấn đề về thị lực. Trong đó, 80% đối tượng có thể ngăn ngừa khiếm thị nhờ điều trị và dự phòng.
Hưởng ứng ngày thị giác thế giới (Thứ năm tuần thứ hai của tháng mười hàng năm) năm nay là ngày 11/10.
Cơ quan quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) đã xác định những hoạt động mà các chính phủ cần can thiệp để thực hiện được mục tiêu của chiến dịch như sau:
- Đào tạo các chuyên gia về chăm sóc mắt.
- Cung cấp các dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện và tích hợp vào các chương trình chăm sóc sức khỏe hiện có.
- Xác định và loại bỏ những trở ngại về kinh tế xã hội, đặc biệt là người nghèo và người thiệt thòi.
3. Ngày Lương thực thế giới – World Food Day (16/10/2019)
Hiện nay, toàn thế giới có hơn 1,02 tỷ người bị suy dinh dưỡng, đây là một vấn đề khá nghiêm trọng. Mô hình phát triển không bền vững đã làm giảm môi trường tự nhiên, phá hoại hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đe dọa nghiêm trọng nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta. Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) chọn ngày 16/10 hàng năm làm ngày Lương thực thế giới nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nạn đói và kêu gọi sự thay đổi trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống cung cấp thực phẩm.
FAO đang giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của di cư bằng cách giúp người dân xây dựng hoặc xây dựng lại cuộc sống. FAO thực hiện điều này bằng nhiều cách: cung cấp cho nông dân các công cụ phù hợp, dạy cho họ kỹ thuật sản xuất nhiều hơn với những gì họ có, giúp người dân nông thôn tiếp cận với tiền để bắt đầu các hoạt động có lợi nhuận và cung cấp cho thanh niên nông thôn những cơ hội tạo thu nhập khác.
FAO cũng giúp bảo vệ con người và sinh kế của họ bằng cách làm việc với các đối tác để thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, khi thiên tai hoặc xung đột không thể tránh được, FAO giúp nông dân trở lại bằng cách cung cấp dụng cụ và hạt giống để bắt đầu trồng lại. Điều này cũng đúng trong việc giúp nông dân ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, như hạn hán hoặc lũ lụt không lường trước được. Về lâu dài, FAO cũng giúp nông dân áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp thông minh, như cây trồng chịu hạn và ao bão, giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nguyên nhân của biến đổi khí hậu.
Trên đây là một số nội dung thông điệp chính để triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông tháng 10 năm 2019.
|
TRƯỞNG TRẠM
Nguyễn Thị Trúc Phương
|