|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo Bộ luật sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo Bộ luật sửa đổi tại phiên họp.
Tờ trình do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ: Mục tiêu lớn của việc sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng giữa các bên tham gia.
Đồng thời, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các quan điểm xây dựng dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi nhằm: Cụ thể hóa những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Việc sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được vai trò cơ bản là tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm vai trò quyền dân sự của các chủ thể.
Đặc biệt, bảo vệ quyền và lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự. Hạn chế mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Xây dựng Bộ luật của quan hệ thị trường thông qua việc ghi nhận một cách nhất quán nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các quan hệ dân sự.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi thành một bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật có chủ thể bình đẳng, có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để một mặt bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác đáp ứng được kịp thời quá trình phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội vốn rất đa dạng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Đồng thời, việc sửa đổi Bộ luật này bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự, cũng như các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc, có sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng bộ luật dân sự của một số nước.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và thảo luận của đại biểu tại phiên họp tán thành nhiều nội dung theo Tờ trình của Chính phủ đối với dự thảo sửa đổi Bộ luật này như: Việc sửa đổi các quy định về phân loại pháp nhân; không quy định đối với thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại nhằm tạo sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; về phân loại các hình thức sở hữu; bán tài sản cầm cố, thế chấp...
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra và ý kiến của đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung như: Các loại pháp nhân, trong đó có pháp nhân công; làm rõ khái niệm và nội hàm về thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền”; cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân nhằm tạo sức sống cho Bộ luật sau khi được thông qua khi chúng ta xác định đây là bộ luật nền của đất nước.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trên cơ sở ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp thu trong Tờ trình mới để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Qua đó, các đại biểu cũng nhất trí dự thảo Bộ luật Dân sự đủ điều kiện trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Dự thảo Bộ luật Dân sự có tổng số 672 điều, được bố cục thành 6 phần, 24 chương. So với Bộ luật năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều.
Dự kiến, dự thảo Bộ luật này sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp (từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
|