|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Thưa ông, 60 năm sau ngày giải phóng, Thủ đô hiện giữ vị trí đầu tầu là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong những ngày này?
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo: Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, một trang sử mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước.
Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, tôi nghĩ rằng mỗi người dân Hà Nội đều có chung một cảm xúc thật tự hào và xúc động. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long-Hà Nội luôn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước.
Chúng ta đều vui mừng về những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh quốc phòng, đối ngoại … mà Thủ đô đã đạt được, đặc biệt là những thành tựu trong hơn 5 năm qua. Hà Nội đã và đang từng bước vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, có quy mô tầm vóc xứng đáng là một thành phố lớn trong khu vực, Thủ đô của một đất nước gần trăm triệu dân.
Dẫu vẫn còn những khó khăn, bất cập và những điều chưa hài lòng, nhưng nhìn lại, chúng ta có quyền tự hào về những việc đã làm được. Và kết quả đó đang từng bước hiện thực hóa điều mong ước và căn dặn của Bác Hồ: Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu, kiểu mẫu của cả nước; xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để xứng đáng với sự tin yêu và mong đợi của cả nước cũng như bạn bè quốc tế.
Năm 1954, khi chúng ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội, thành phố chỉ có diện tích nhỏ, hơn 152 km2. Hà Nội ngày nay đã trở thành một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới với diện tích khoảng 3.344 km2. Nếu phác thảo một bức tranh toàn cảnh về sự thay đổi của Hà Nội sau 60 năm, điều gì sẽ được coi là điểm nhấn để tạo nên bức tranh đó, thưa ông?
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo: Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt trong quá trình phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị…
Từ một thành phố tiêu thụ hàng hóa, quy mô nhỏ, nền công nghiệp chỉ với một vài cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn khó khăn, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế của đất nước, một đô thị lớn phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại.
Thành phố cũng là một trung tâm kinh tế lớn, một trong những động lực, đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Với dân số chỉ chiếm 7,84% dân số cả nước, Hà Nội hiện đóng góp 10,06% GDP, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%); 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, và chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước, có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Chính trị xã hội ổn định, an ninh, trật tự được bảo đảm; quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển quốc tế được mở rộng; vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được nâng cao.
Từ kinh thành Thăng Long đến thủ đô Hà Nội mở rộng như hiện nay, Hà Nội thừa hưởng một di sản văn hóa vô cùng đồ sộ về mọi lĩnh vực, văn hóa vật thể cũng như phi vật thể. Chỉ tính các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích quốc gia, cho đến cuối năm 2013, Hà Nội đã có 847 di tích trên tổng số 3.359 di tích quốc gia của cả nước, chiếm tỷ lệ 25%.
Đến nay, Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới, trong đó đã ký văn bản hợp tác song phương với hơn 50 thành phố. Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn. Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã đánh giá Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Với góc nhìn của một kiến trúc sư, ông thấy bức tranh đô thị của Hà Nội ngày nay đã đáp ứng tầm vóc Thủ đô của một nước với gần 100 triệu dân?
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Những người yêu mến Hà Nội đều có thể nhận thấy diện mạo đô thị Thủ đô đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, từ năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, Hà Nội có thêm tiềm năng để phát triển mạnh mẽ. Nhiều khu đô thị mới đã được hình thành, nhiều trung tâm thương mại, các công trình văn hóa lớn và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại được cải tạo và xây dựng mới theo quy hoạch.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện quy hoạch, phát triển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Hà Nội đang phấn đấu xây dựng để trở thành đô thị tiêu biểu,một thành phố đáng sống trong khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, có điều gì ông thấy còn trăn trở?
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo: Bên cạnh những thành công trong quá trình đô thị hóa, tôi cho rằng những bất cập trong quá trình phát triển đô thị vẫn tồn tại, hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ y tế, giáo dục, sự ô nhiễm đe dọa môi trường sống và cảnh quan đô thị…
Thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các ngành, các cấp phải tập trung giải quyết, đặc biệt là bài toán bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn – Đây có lẽ cũng là điều khiến tôi trăn trở nhất.
Những thách thức trong công tác bảo tồn di sản có thể kể ra như: nhiều công trình cổ bị phá bỏ, trùng tu, tu bổ sai phạm, thiếu dữ liệu lịch sử, khai thác chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, bê tông hóa, nhà ống, ngập úng, ô nhiễm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kiến trúc, các di sản của đô thị. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã và đang là sức ép cho việc bảo tồn di sản ở Hà Nội, nhất là ở khu phố cổ và khu phố cũ.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã và đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống truyền thống, nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội…
Thưa ông, để giải quyết những thách thức này, Hà Nội sẽ có những giải pháp tổng thể gì để phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn tiếp theo?
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo: Trong 5 năm tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị Quyết của Trung ương và Hà Nội, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, của Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, ngành, lĩnh vực và địa phương. Huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Tập trung đầu tư để cơ bản hoàn thành việc cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô vào năm 2015; sớm hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai; triển khai nhanh các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp điện, cấp, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường của Thành phố…
Hà Nội phải phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm hoàn thành cơ bản sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển, khắc phục được những yếu tố và biểu hiện tiêu cực, gìn giữ truyền thống văn hiến, anh hùng cũng sẽ là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của những nhà quản lý và mỗi người dân Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước, đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã luôn yêu quý, quan tâm, đồng hành và ủng hộ Thủ đô Hà Nội. Với tầm vóc, thế và lực mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu, xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!