Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 20-24/10/2014 Ngày cập nhật 27/10/2014
( Chinhphu.vn) - Tạo thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam; Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập; Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm; Quyết liệt giảm số người chết vì TNGT... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 20-24/10/2014.
Phạt tiền tỷ với VPHC trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa mới được ban hành, từ ngày 12/12, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật...
Nghị định mới cũng bổ sung một số hành vi mới so với Nghị định số 202/2004/NĐ-CP, đặc biệt là hành vi vi phạm về phòng, chống rửa tiền; vi phạm về bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, đối với hành vi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi bị phạt tới 150 triệu đồng . Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị phạt lên đến 250 triệu đồng...
Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tạo thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam
Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó quy định đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam theo trình tự, thủ tục quy định (gọi là Người yêu cầu xác định quốc tịch).
Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện), nơi Người yêu cầu xác định quốc tịch đang thường trú, thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập
Chính phủ đã đã hành Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.
Ban hành hướng dẫn thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại DN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, việc thành lập tổ chức chính trị (tổ chức Đảng), các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã được quy định trong các bộ luật chung và luật chuyên ngành nhưng đa số các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn ngước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội còn rất hạn chế.
Nguyên nhân cơ bản là do trong các luật chưa có các quy định cụ thể, chi tiết và thiếu chế tài thực hiện việc này. Do đó, khi người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện để thành lập tổ chức, đề nghị doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hướng dẫn, thành lập gặp khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN
Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Phạt đến 30 triệu đồng nếu vi phạm quy định về ứng dụng KHCN
Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Trong đó, vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng thay vì mức 20 triệu đồng như trước đây.
Thay đổi mức đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định mức đóng góp vào Quỹ thay cho mức cũ đã được áp dụng từ cách đây nhiều năm.
Theo Nghị định mới của Chính phủ, đối với các tổ chức kinh tế hoạch toán độc lập mức đóng góp bắt buộc 1 năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp. Còn người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Người lao động khác thì đóng 15.000 đồng/người/năm.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm
Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014 – 2020.
Theo Đề án, sẽ tăng cường sự thống nhất về tổ chức, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách, chế độ đối với lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương, có đủ quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được giao thông qua việc tăng cường quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và điều động lực lượng đối với các Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo hướng giữ ổn định tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý Hạt Kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ hiện đang trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; tăng cường hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng kiểm lâm nhằm bảo đảm thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở thành lập các đơn vị điều tra về lâm nghiệp trong lực lượng kiểm lâm theo lộ trình hợp lý.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Đề án "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và nguồn nhân lực có tay nghề cao tại các cơ sở dạy nghề trong Quân đội đến năm 2020" sẽ đào tạo từ 7000 đến 8000 nhân lực có tay nghề cao hằng năm.
Trong giai đoạn 2014 - 2017, hằng năm Đề án sẽ đào tạo nghề cho 60-65% bộ đội xuất ngũ và đào tạo từ 5000 đến 6000 nhân lực có tay nghề cao. Trong giai đoạn 2018 - 2020, hằng năm đào tạo nghề cho 65-70% bộ đội xuất ngũ và từ 7000 đến 8000 nhân lực có tay nghề cao.
Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu là đạt tốc độ tăng sản lượng sản phẩm apatit các loại (quặng nguyên khai và quặng tuyển) bình quân khoảng 9 - 10%/năm giai đoạn đến năm 2020 và duy trì sản lượng ổn định ở các năm tiếp theo, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước...
Quyết liệt giảm số người chết vì TNGT
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2014.
Theo thông báo kết luận, nhằm phấn đấu giảm số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2014 xuống dưới 9.000 người, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các quy định liên quan đến điều kiện hoạt động đối với xe khách giường nằm 2 tầng...; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục phối hợp hiệu quả hoạt động tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm xếp hàng từ nguồn hàng hoá; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải...
Không kiến nghị dùng ngân sách xử lý nợ xấu
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước vào báo cáo trình Quốc hội. Theo Tin ĐT Chính Phủ Các tin khác
|