Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
TUYÊN TRUYỀN “NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”
Ngày cập nhật 12/11/2014

Chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT
- Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật (09/11) được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
- Trên thế giới, hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay “Ngày Hiến pháp” như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của mình. Trong ngày này, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của nhân dân, học sinh, sinh viên về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.
- Ở Việt Nam, ngày 04/10/2010, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã ban hành Công văn số 3535/HĐPH hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ trung ương đến địa phương về việc áp dụng chính thức việc thực hiện “Ngày pháp luật” trong phạm vi cả nước. Trước đó, mô hình này được triển khai thực hiện ở 10 địa phương (trong đó có tỉnh Tiền Giang) cho thấy thực tiễn tổ chức triển khai mô hình này phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành thói quen học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật và còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.
- Việc tổ chức định kỳ “Ngày pháp luật” thực chất là bố trí một ngày trong tháng với lượng thời gian cần thiết (không nhất thiết phải cả ngày) để cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bởi vì trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì pháp luật phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, do đó yêu cầu bắt buộc là mọi công dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu biết và tuân thủ pháp luật.
- Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
- Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, năm 2013 là năm đầu tiên trên cả nước đã tổ chức thành công thực hiện “Ngày Pháp luật” trong phạm vi toàn quốc, đã ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước ta. Và năm 2014 này, là năm thứ hai tổ chức kỷ niệm “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, đó là việc toàn dân tích cực nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy chủ đề Ngày pháp luật năm 2014 được xác định là: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Việc tổ chức Ngày Pháp luật năm nay là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, tạo cơ sở, tạo động lực để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực hơn trong những năm tiếp theo, góp phần vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II. Phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 21/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh).
III. Tuyên truyền những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo hiểm y tế
A. Những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình
Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 (thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).
Luật gồm 09 chương, 133 Điều, quy định về chế độ hôn nhân và gia đình (HN & GĐ), chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ HN & GĐ.
Luật kế thừa các nguyên tắc cơ bản, các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; sửa đổi các quy định đã có nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đồng thời bổ sung các quy định để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh phù hợp với quá trình thay đổi của gia đình hiện đại và đời sống xã hội; bảo đảm tính khả thi của Luật hôn nhân và gia đình.
1. Giải thích từ ngữ:
- Tập quán về hôn nhân và gia đình: là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
- Chung sống như vợ chồng: là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
- Cản trở kết hôn, ly hôn: là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
- Kết hôn giả tạo: là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
- Yêu sách của cải trong kết hôn: là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.
- Ly hôn giả tạo: là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
- Thành viên gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
- Người thân thích: là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
- Nhu cầu thiết yếu: là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.
- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
- Mang thai hộ vì mục đích thương mại: là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
2. Về điều kiện kết hôn
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên (đây là điểm mới, theo Luật HN & GĐ năm 2000 quy định nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên, không có từ “đủ”);
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
3. Quy định về đăng ký kết hôn
- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật HN & GĐ và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý.
Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
- Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.
4. Quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (đây là điểm mới, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con).
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
6. Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Đây là quy định mới, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản), cụ thể:
a. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
+ Vợ chồng đang không có con chung;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
b. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.
c. Xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ
Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự.
B. Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Ngày 13/6/2014, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015
1. Đối tượng tham gia và mức đóng bảo hiểm y tế:
Đối tượng tham gia BHYT được mở rộng nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, cụ thể:
a. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
- Người lao động (LĐ) làm việc theo hợp đồng LĐ không xác định thời hạn, hợp đồng LĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người LĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là người lao động): mức đóng hằng tháng của các đối tượng này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng LĐ đóng 2/3 và người LĐ đóng 1/3.
Đối với người đang nghỉ thai sản: trong thời gian người LĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người LĐ trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức BHXH đóng.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng LĐ đóng 2/3 và người LĐ đóng 1/3.
b. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức LĐ hằng tháng: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức LĐ.
- Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở.
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp.
c. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí.
Riêng đối với thân nhân của các đối tượng này thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ các đối tượng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ); Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;
d. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên: mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
đ. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình (trừ đối tượng quy định tại các nhóm trên): mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.
Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình này phải tham gia BHYT. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
+ Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
+ Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
+ Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
2. Quy định về thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng:
Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng được quy định như sau:
- Đối tượng quy định tại các nhóm (nhóm do người LĐ và người sử dụng LĐ đóng, nhóm do tổ chức BHXH đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng) tham gia BHYT lần đầu, thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT.
- Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
- Đối tượng quy định tại các nhóm (nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình) tham gia BHYT từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/01/2015) hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.
3. Quy định về mức hưởng BHYT trong trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến:
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực (01/01/2015) đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực (01/01/2015) đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01/01/2016.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:
Ủy ban nhân dân cấp xã ngoài việc thực hiện trách nhiệm theo quy định, còn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng quy định của Luật này theo hộ gia đình. Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
5. Xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT theo quy định:
Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
- Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;
- Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT./.



 

Nguyễn Tuấn Khanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 322.400
Truy cập hiện tại 2.961