Ảnh minh họa
Tăng 8% lương đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lương hưu đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; theo đó, sẽ tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu), thực hiện từ ngày 1/1/2015.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ Nội vụ, Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu), thực hiện từ ngày 1/1/2015, theo đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 theo đúng trình tự thủ tục rút gọn.
Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu kết quả tổ chức thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng".
Ưu tiên đầu tư phát triển một số công nghệ cao
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, thì từ ngày 15/1/2015, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển 58 công nghệ cao và khuyến khích phát triển 114 sản phẩm công nghệ cao.
Trong đó, một số công nghệ cao sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ thiết kế, chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp (IC); công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ điện tử linh hoạt (FE); công nghệ hàng không, vũ trụ; công nghệ thiết kế, chế tạo robot; công nghệ chiết trong sản xuất vật liệu siêu sạch ở quy mô công nghiệp; công nghệ vật liệu nanô...
Một số sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển gồm: Phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin ở mức cao; thẻ thông minh và đầu đọc thẻ thông minh; hệ thống thiết bị ngôi nhà thông minh; hệ thống điều khiển giao thông thông minh; hệ thống xét nghiệm tự động và đồng bộ; vệ tinh và thiết bị vệ tinh...
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, tái cơ cấu ngành Công Thương theo lĩnh vực: Công nghiệp; năng lượng; thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế.
Ứng vốn xây dựng cầu treo dân sinh
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước nguồn vốn ngân sách Trung ương số tiền 400 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính bố trí kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông vận tải từ năm 2015 để thu hồi số vốn ứng trước nêu trên theo quy định.
Đồng thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bố trí vốn để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên theo tiến độ quy định.
Điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Theo Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ 3 điều kiện sau đây được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ:
1- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
2- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
3- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam.
Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Khẩn trương rà soát, bố trí vốn sữa chữa hồ chứa nước
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
Trong đó xác định rõ Danh mục dự án; tổng mức đầu tư của dự án; tỷ lệ nguồn vốn thực hiện (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn khác), lưu ý ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho các địa phương đang nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.
Tiếp tục Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp đã được phê duyệt theo Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 5/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020.
Bên cạnh đó, điều chỉnh mục tiêu chung, định hướng, tiến độ thực hiện, danh mục nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.
Cụ thể, việc tiếp tục thực hiện Chương trình đến năm 2020, bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hướng trọng tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Các hoạt động cụ thể của Chương trình được triển khai bảo đảm phát huy hiệu quả của Chương trình giai đoạn 2010 - 2014, không chồng chéo với các chương trình, dự án khác hỗ trợ cho doanh nghiệp; lồng ghép với các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện để bảo đảm tính đồng bộ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí; tăng cường sự tham gia, phối hợp tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, UBND các cấp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự tham gia chủ động và tích cực của các doanh nghiệp vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.