Tăng mức lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2015 tới đây như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.
Mức đóng bảo hiểm y tế
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1/1/2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.
Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.
Còn mức đóng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
Riêng người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế.
Tăng 8% lương đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lương hưu đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; theo đó, sẽ tăng 8% đối với toàn bộ đối tượng (không phân biệt thời điểm nghỉ hưu), thực hiện từ ngày 1/1/2015.
Chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế
Theo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực từ 10/1/2015, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định, nếu thôi việc ngay thì được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ
Theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, đối tượng được hưởng chính sách trên là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (gọi chung là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.
Trong đó, hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Cụ thể, hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ.
Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.
Quyết định có hiệu lực từ 1/1/2015 - 31/12/2020.
Chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng
Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng tùy thời gian làm chậm và số hộ gia đình, cá nhân bị làm chậm.
Cũng theo Nghị định này, hành vi lấn chiếm đất ở sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.
Tăng mức phạt xe quá tải
Theo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2015.
Người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức
Nghị định quy định về Y tế xã, phường, thị trấn, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/1/2015. Theo đó, người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức. Số người làm việc tại Trạm Y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương theo vùng miền.
Cấm nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (vật thể) bị tạm ngừng nhập khẩu gồm: Vật thể nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam mà chưa có biện pháp xử lý triệt để; vật thể nhập khẩu từ một quốc gia, vùng lãnh thổ bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ mà cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đã có thông báo về việc không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật của Việt Nam; vật thể từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có thông tin chính thức về sự bùng phát đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực từ 18/1/2015.
Điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ
Theo Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng có hiệu lực từ 15/1/2015, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ 3 điều kiện sau đây được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ:
1- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
2- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
3- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam.
Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Tàu cao tốc chở khách sử dụng không quá 20 năm
Nghị định quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo đó, tàu cao tốc chở khách được sử dụng không quá 20 năm.
Về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa, Nghị định quy định, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi có niên hạn sử dụng không quá 35 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 20 năm với vỏ gỗ.
Còn tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí có niên hạn sử dụng không quá 30 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 25 năm với vỏ gỗ.
Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa
Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải có đủ 5 điều kiện chung gồm: 1- Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa; 2- Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh; 3- Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; 4- Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh); 5- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Từ 1/1/2015, miễn thị thực cho công dân 7 nước
Nghị quyết của Chính phủ miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 7 nước khi nhập cảnh Việt Nam gồm: Liên bang Nga; Nhật Bản; Đại Hàn Dân Quốc; Vương quốc Đan Mạch; Vương quốc Na Uy; Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan.
Chính sách trên được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Siết chặt quản lý website thương mại điện tử
Theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử có hiệu lực từ 20/1/2015, thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh sau: súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến và các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Khung giá 7 dịch vụ điều trị nghiện bằng thuốc thay thế
Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể, mức tối đa khung giá 7 dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong các cơ sở điều trị của Nhà nước được quy định như sau: Mức giá tối đa dịch vụ khám ban đầu 48.000 đồng/lần khám/người; khám khởi liều điều trị 25.000 đồng/lần khám/người; khám định kỳ 20.000 đồng/lần khám/người. Mức giá trên không bao gồm xét nghiệm và thuốc.
Dịch vụ cấp phát thuốc (không bao gồm thuốc) tại cơ sở điều trị thay thế, cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế mức giá tối đa 10.000 đồng/lần/người/ngày. Dịch vụ tư vấn (không bao gồm thuốc và xét nghiệm) có mức giá từ 5.000 đồng/lần/người (đối với trường hợp tư vấn nhóm) và 10.000 đồng/lần/người (trường hợp tư vấn cá nhân).
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.