Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng. Ảnh: VGP/Lê Sơn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ về ý nghĩa của việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo luật Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết ý nghĩa của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi)
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, đây là hoạt động cụ thể để triển khai thi hành Điều 28 Hiến pháp, theo đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, huy động được trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo BLDS (sửa đổi). Đặc biệt đối với BLDS với vai trò là đạo luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; dự thảo Bộ luật quy định nhiều vấn đề mới, có tính đột phá trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; thực hiện xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ ba, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về BLDS, về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của người dân. Qua đó, góp phần đưa quy định của BLDS đi vào cuộc sống khi được Quốc hội ban hành.
Có ý kiến cho rằng, lần sửa đổi này có nhiều điểm đề xuất mạnh dạn bởi đây là “luật gốc” để xây dựng các luật chuyên ngành trong lĩnh vực dân sự nhằm tạo môi trường pháp lý ổn định, có sức sống lâu dài trong đời sống xã hội. Xin Thứ trưởng cho biết những đề xuất mạnh dạn đó và quan điểm của ông về vấn đề này.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Để cụ thể hóa một trong các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự thảo BLDS (sửa đổi) là xây dựng BLDS thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật dân sự, nhiều quy định của dự thảo Bộ luật mang tính đột phá, cải cách, trong đó dự thảo Bộ luật quy định, phạm vi điều chỉnh của BLDS bao gồm các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ (gọi chung là quan hệ dân sự).
Dự thảo Bộ luật quy định, BLDS là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, các luật có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật này. Trường hợp các luật có liên quan không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự;
Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết;
Dự thảo Bộ luật quy định, thời hiệu bao gồm thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, không quy định về thời hiệu khởi kiện như trong BLDS hiện hành. Cá nhân, pháp nhân căn cứ vào thời hiệu để bảo vệ quyền dân sự. Tòa án có thể tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự do việc hết thời hiệu.
Ngoài ra, dự thảo Bộ luật đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về quyền nhân thân của cá nhân, chế độ giám hộ, đại diện, giao dịch dân sự vô hiệu, bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, chiếm hữu, một số quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (vật quyền khác) như: Quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên và các vật quyền khác được quy định trong các luật có liên quan; lỗi trong trách nhiệm dân sự; điều kiện giao dịch chung; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi...
Những quy định trên có tính đột phá, quan trọng không chỉ trong phát huy vai trò, vị trí luật nền, luật chung của BLDS mà còn bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật dân sự, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Qua đó, góp phần tạo môi trường pháp lý ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là quy định về quyền sử dụng đất cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để có thể xác định được quyền của người dân đối với các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhất là tài sản về đất đai. Dự thảo lần này đã làm rõ vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Về quyền sử dụng đất, dự thảo Bộ luật đã có nhiều quy định để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 về quyền của người có quyền sử dụng đất trong tham gia các quan hệ dân sự, như:
Liên quan đến đối tượng của giao dịch, Điều 132 dự thảo Bộ luật quy định, quyền sử dụng đất là quyền tài sản theo quy định của BLDS và Luật Đất đai;
Liên quan đến giao dịch có đối tượng là bất động sản (đất đai và tài sản gắn liền với đất) bị vô hiệu, Điều 148 dự thảo Bộ luật quy định, trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác đối với quyền sử dụng đất, Điều 182 dự thảo Bộ luật quy định rõ, việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác.
Trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật.
Thời điểm tài sản được chuyển giao được hiểu là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản.
Trường hợp tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác.
Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Dự thảo Bộ luật đã bổ sung một loại vật quyền khác là “Quyền bề mặt”, trong đó quy định về quyền của một chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.
Dự thảo Bộ luật quy định các nguyên tắc chung về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (Điều 523 – Điều 527), theo đó, người sử dụng đất có quyền thỏa thuận với chủ thể khác về việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất và các quyền sử dụng đất khác theo quy định của Luật Đất đai;
Về di sản, Điều 635 dự thảo Bộ luật quy định quyền sử dụng đất là di sản và được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài những nội dung trên, nhiều chế định trong dự thảo Bộ luật trực tiếp hoặc gián tiếp quy định về quyền sử dụng đất như các chế định chiếm hữu, quyền sở hữu, quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, hạn chế quyền sở hữu, các vật quyền khác, thế chấp, hợp đồng thuê, thuế khoán...
Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện như thế nào để việc lấy ý kiến lần này đạt hiệu quả cao nhất, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với Bộ luật cực kỳ quan trọng này?
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Để việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân đạt được hiệu quả cao nhất, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với BLDS, Kế hoạch của Chính phủ đã quy định cụ thể quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân như sau:
Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm gửi báo cáo cho Bộ Tư pháp về quá trình tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến vào dự thảo BLDS (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin kịp thời cho Bộ Tư pháp; Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo BLDS (sửa đổi) của Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức phải dựa trên Đề cương báo cáo theo Phụ lục II của Kế hoạch của Chính phủ và gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15/4/2015.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo BLDS (sửa đổi) theo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo BLDS (sửa đổi); ý kiến của các tổ chức, cá nhân được gửi về Bộ Tư pháp và qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; văn bản tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Trên cơ sở tập hợp, tổng hợp kết quả lấy ý kiến, Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi) và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS (sửa đổi). Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo BLDS (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi); dự thảo BLDS (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (khoảng tháng 5/2015).
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!