Kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp.
Trong đó, tập trung nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai sửa đổi và các Luật mới được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua. Tham gia góp ý, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp ở địa phương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp; xây dựng cơ chế bảo đảm để luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng từng bước bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi bị xét xử về hình sự.
Thực hiện xã hội hóa đối với tất cả các lĩnh vực giám định theo mức độ, phạm vi và lộ trình phù hợp. Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các tổ chức có nguồn lực và điều kiện tham gia hoạt động giám định…Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện để các tổ chức công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội.
Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp các cấp; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, cải cách tư pháp các cấp; có chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc cho các tổ chức bổ trợ tư pháp, cho các hoạt động tư pháp tại địa bàn tỉnh.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh giao lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, bám sát định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, của tỉnh về công tác cải cách tư pháp năm 2014 để tổ chức thực hiện; tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin điện tử tỉnh TT-Huế