*Di tích lịch sử dốc Ba Trục, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tuyến đường dốc Ba Trục thuộc địa bàn xã Phong Thái. Đây là con đường mòn dân sinh của người dân địa phương được bộ đội ta sử dụng thường xuyên hành quân đi qua để vào Trạm xá Bắc và chiến khu Hòa Mỹ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tuyến đường dốc Ba Trục là nơi đóng quân của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Trạm xá Bắc thuộc Viện Quân y 268, các ban đoàn thể, Đại đội Thanh niên xung phong C4K200 thuộc Quân Khu IV (Hậu cần) do đồng chí Võ Nguyên Quảng và đồng chí Thân Trọng Một phụ trách. Tuyến đường dốc Ba Trục còn là cửa ngõ ra vào căn cứ địa cách mạng của các Trung đoàn chủ lực (Trung đoàn 4, Trung đoàn 95, Trung đoàn 101, Trung đoàn 6 và Sư đoàn 324...).
Dốc Ba Trục là con đường chứa đựng nhiều chiến công oanh liệt: con đường vận chuyển; con đường liên thông, kết nối giữa đồng bằng và miền núi hai huyện Phong - Quảng, các cơ quan của Khu ủy, Tỉnh ủy, Tỉnh đội, là nơi điều trị thương bệnh binh của Viện Quân y 268. Nơi hình thành nên vành đai diệt Mỹ (gồm 3 xã Phong Sơn, Phong An, Phong Nguyên) và được ví như là “xương sống” của vành đai diệt Mỹ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước với chung.
Tuyến đường dốc Ba Trục là bằng chứng lịch sử hùng hồn về ý chí và quyết tâm tiêu diệt kẻ thù thống nhất Tổ quốc. Là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc ta từ bao đời nay.
*Đình Hiền Sỹ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền
Hiền Sỹ là một trong những làng được hình thành tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, dưới thời nhà Mạc, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa và đình làng Hiền Sỹ cũng được xây dựng bên dòng sông Bồ theo kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo (theo sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An - 1553). Hiện nay, đình Hiền Sỹ thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đình Hiền Sỹ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng, là địa điểm sinh hoạt của nhóm “Thanh niên sông Bồ”, nơi tập hợp nhiều thanh niên ưu tú các làng tham gia hoạt động yêu nước và trở thành những hạt nhân quan trọng lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế sau này.
Giữa tháng 6/1945 tại đình Hiền Sỹ đã diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện Phong Điền để thành lập “Việt Minh Trường Sơn”, một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của huyện Phong Điền nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Hiền Sỹ còn là nơi tập trung, trung chuyển các cơ quan của Ủy ban hành chính kháng chiến của Tỉnh trước khi chuyển căn cứ lên chiến khu Hòa Mỹ...
Đình còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của cuộc cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của người dân địa phương và trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất này.
*Di tích lịch sử Đình Dương Xuân Hạ
Dương Xuân là một làng cổ của huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (theo sách Ô châu cận lục do Dương Văn An - 1553), hiện nay là Tổ 19, Khu vực 5, phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế.
Làng Dương Xuân Hạ nằm về phía Bắc của huyện Hương Thuỷ song lại là địa bàn tiếp giáp với thành phố Huế nên các phong trào đấu tranh Cách mạng ở địa phương từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (3/1975) đều gắn liền với phong trào đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) và thành phố Huế.
Ngày 22/8/1945, tại đình Dương Xuân Hạ đã diễn ra cuộc mittinh thành lập chính quyền Cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1945, chi bộ Đảng Cộng sản xã Phùng Xuân Thuỷ được thành lập, đình làng là trụ sở làm việc cơ quan của Đảng, cơ quan hành chính và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh xã.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Dương Xuân Hạ là nơi huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ của Trung đội 26 giải phóng quân thuộc Trung đoàn 101 Trần Cao Vân và giải phóng quân Hà Nội tăng cường cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, đã sớm tập hợp được các thanh niên ưu tú, đầy nhiệt huyết sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ tổ quốc, quê hương, nổi bật là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thân Trọng Một.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, tại làng nhiều phong trào đấu tranh Cách mạng đã diễn ra liên tục; nhiều cán bộ, đảng viên đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán, những hạt nhân lãnh đạo của huyện Hương Thuỷ và thành phố Huế.
* Di tích lịch sử Miếu thờ và mộ phần Trương Phi Phong
Trương Phi Phong sinh năm Giáp Tý (1444), xuất thân từ dòng dõi con nhà tướng, là một trong những nhánh hậu duệ (đời thứ 4) của Bình Ngô khai quốc công thần Trương Lôi dưới thời Lê Sơ (thế kỷ XV).
Dựa trên gia phả dòng họ và các tài liệu văn tế, bài vị, các câu đối, hoành phi…lưu giữ tại di tích, Trương Phi Phong là Đô Chỉ huy Sứ trong đại binh của vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm năm 1471. Sau chiến thắng bình Chiêm 1471, Trương Phi Phong được bố trí ở lại và được trao quyền quản lý, trấn ải vùng đất mới, giữ vững an ninh, tổ chức di dân mở đất, lập làng xã.
Đô Chỉ huy Sứ Trương Phi Phong cùng với các bậc tiền bối các họ Lê, Phan, Võ, Nguyễn, Trần, Huỳnh và họ Bùi đã tạo lập ra làng Vân Quật. Sau khi mất (1516) ông đã được an táng tại khu vực Cồn Mồ thuộc làng Vân Quật Thượng và được triều đình nhà Lê phong tước vị: “Bổn xã lập miếu thờ cúng để sáng tỏ một gia tộc lớn có công khai canh đầu tiên”.
Để tôn vinh và ghi nhớ công lao của Trương Phi Phong, nhân dân làng Vân Quật đã xây dựng một ngôi Miếu để thờ, đồng thời tôn ông là vị Thành Hoàng của làng.
Công lao của Trương Phi Phong gắn liền với quá trình mở nước về phương nam của Đại Việt và sự ra đời của các làng xã trên vùng đất Thuận Hóa, trong đó có làng Vân Quật, nay thuộc xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
www.thuathienhue.gov.vn