Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Ngày này 40 năm trước: Địch bước vào thời kỳ suy sụp
Ngày cập nhật 20/03/2015

(Chinhphu.vn) - Theo tư liệu từ Bộ sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, cách đây tròn 40 năm, trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang sôi sục, đêm 19/3/1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320A họp nhận định: Ta đã cơ bản tiêu diệt quân địch ở khu vực Tây Nguyên.

 
Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở màn lịch sử.
Ta loại khỏi chiến đấu hơn 4.000 tên địch, bắt sống 3.000 tên, thu nhiều súng đạn, phá hủy hầu hết trang bị và phương tiện của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận khá lớn bộ binh cơ giới địch chạy thoát do ta cắt đường muộn. Hành động tiếp theo của Sư đoàn và lực lượng thiết giáp tăng cường là nhanh chóng vượt lên tổ chức tiến công chặn địch lại; nếu chúng co cụm chống cự thì bao vây chặt, tích cực tiêu hao địch chờ lực lượng cơ động của Sư đoàn đến cùng tiến công tiêu diệt.
Ngày 20/3/1975, Bộ Chính trị điện cho các chiến trường: Địch đã bắt đầu thời kỳ suy sụp và bắt đầu thực hiện việc co cụm chiến lược. Dự kiến địch có thể co cụm ba nơi là Đà Nẵng, Cam Ranh và xung quanh Sài Gòn. Nhưng địch đang hoang mang dao động mạnh, nên phải tận dụng thời cơ rất thuận lợi này, vận dụng sức mạnh tổng hợp của ta, kiên quyết mạnh bạo, liên tục tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, nhằm chia cắt, bao vây tiêu diệt địch, ngăn chặn không cho chúng rút lui về để co cụm.
 
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chỉ thị các đơn vị tập trung lực lượng đẩy mạnh tốc độ tiến công.
 
Ngày 21/3, Trung đoàn 64 giải phóng quận lị Phú Túc trong hành tiến. Ngày 22/3, Trung đoàn tiến đến sông Ga Pui, tiêu diệt bộ phận địch chốt chặn ở khu vực này. Cũng trong ngày 22 và ngày 23/3/1975, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương 96 và 13 của tỉnh Phú Yên ra đường số 7 phá cầu Sơn Hòa và tổ chức chốt chặn trên đường 7 đoạn phía đông Củng Sơn, diệt và bắt nhiều tên địch. Ngày 23/3, toàn bộ đội hình Trung đoàn 64 đến Củng Sơn bắt liên lạc với bộ đội địa phương Phú Yên và bộ phận đi trước, hình thành thế bao vây quân địch ở Củng Sơn.
 
Tại thị trấn Củng Sơn, quân địch ùn lại khoảng hơn 6.000 tên, 40 xe tăng, xe thiết giáp và hàng trăm xe vận tải.
 
Do cầu Ai Nu đã bị phá, tốc độ hành quân của các đơn vị đi sau và phương tiện vật chất kỹ thuật bị chậm nên Sư đoàn 320A chủ trương tiêu diệt quân địch ở Củng Sơn trong hai tình huống: Một là, nếu địch co cụm sẽ sử dụng Trung đoàn 64 kết hợp cùng Tiểu đoàn 96 bộ đội địa phương bao vây, kìm giữ quân địch ở Củng Sơn, sư đoàn sẽ điều thêm Trung đoàn 48 và binh khí kỹ thuật lên để cùng Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt quân địch co cụm. Hai là, nếu quá trình bao vây phát hiện địch chuẩn bị tháo chạy, Trung đoàn 64 phải tổ chức tiến công ngay, dù pháo binh và các phương tiện kỹ thuật, vật chất chưa lên kịp.
 
Được sự giúp đỡ tận tình của bộ đội địa phương và chính quyền cách mạng tỉnh, huyện nên công tác chuẩn bị của Trung đoàn 64 tiến hành rất thuận lợi. Tiểu đoàn 96 địa phương tích cực tham gia chiến đấu và được đặt dưới sự chỉ huy chung của cán bộ chỉ huy Trung đoàn và đại diện Tỉnh đội Phú Yên. 10 giờ ngày 24/3, pháo binh vẫn chưa lên được (do cầu Ai Nu bị phá, công binh phải làm đường vòng tránh chưa xong), lực lượng tăng cường cho Trung đoàn 64 vẫn chỉ có 6 xe bọc thép K63 và 2 khẩu cối 120 mm đi cùng. 11 giờ cùng ngày, phát hiện thấy địch có dấu hiệu tháo chạy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Phạm Quang Bào đề nghị Sư đoàn cho đánh theo phương án 2: Đánh với lực lượng của bản thân Trung đoàn, không có sự chi viện của pháo binh cấp trên.
 
Tiểu đoàn 96 bộ đội địa phương, lần đầu tiên tham gia chiến đấu trong đội hình lớn của bộ đội chủ lực, đã lập công. Ngay từ những phút đầu, Tiểu đoàn đã cắt đứt cầu phao, và tiêu diệt một số thiết giáp, xe ô tô chặn đứng đường rút lui duy nhất của địch. Trong tuyệt vọng, một số binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn liều lĩnh vượt sông Ba nhưng vừa sang đến bờ bên kia đã bị các chiến sĩ bộ đội địa phương bắt làm tù binh.
 
Ở hướng chủ yếu, được xe bọc thép K63 mở đường, Tiểu đoàn 8 đánh thẳng vào trung tâm quận lỵ, nơi bộ binh địch đang chuẩn bị hành quân. Địch tháo chạy tán loạn. Phía tây bắc quận lỵ, Tiểu đoàn 7 được tăng cường 3 xe bọc thép K63 nhanh chóng đánh chiếm khu hành chính và trại huấn luyện biệt kích, bắn cháy 5 xe tăng, dồn địch đến bờ sông. Một lực lượng bộ binh, xe thọc thép địch co cụm trên điểm cao Hòn Một giáp bờ sông Ba điên cuồng chống trả. Trước tình hình đó, một đại đội bộ đội địa phương Phú Yên bí mật lợi dụng bờ sông đánh lên, phối hợp với Đại đội 5 và Đại đội 7 (Tiểu đoàn 7) trên hướng chính diện. Bị tiến công quyết liệt từ ba hướng, quân địch ở Hòn Một phải đầu hàng. Trong lúc đó, cụm quân địch ở Củng Sơn hoàn toàn tan rã, ta thu 400 xe các loại, trong đó có 41 xe tăng, xe thiết giáp và hơn 10 khẩu pháo lớn.
 
Như thế, trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến ngày 24/3/1975, cuộc truy kích kịp thời và táo bạo của ta đã kết thúc thắng lợi. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến và một bộ phận cơ quan Quân khu 2, bắt 8.000 tù binh, thu và phá hủy 1.400 xe, có 90 xe tăng và 25 xe M113, 8 khẩu pháo 175 mm, 19 khẩu pháo 155 mm, 5 khẩu pháo 105 mm.
 
Theo Cổng thông tin Chính phủ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 321.047
Truy cập hiện tại 233