Theo Đại tá-Tiến sỹ Nguyễn Huy Thục (Viện Lịch sử quân sự), thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, ngày 5/3/1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch Trị Thiên, tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch trên tuyến phòng thủ Trị Thiên và phối hợp với chiến trường chủ yếu Nam Tây Nguyên, sẵn sàng phát triển khi thời cơ đến.
Sau Hiệp định Paris (năm 1973), Mỹ buộc phải rút quân về nước đã làm cán cân so sánh thế và lực trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta, một thời cơ chiến lược lớn để nhân dân ta tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ thực tiễn chiến trường, sau những chiến dịch tiến công và giành thắng lợi, như: Nông Sơn-Thượng Đức, La Sơn-Mỏ Tàu (năm 1974), Hưng Long (năm 1975), đặc biệt, thắng lợi Chiến dịch đường 14-Phước Long (từ 12/1974-1/1975), giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long đã chứng tỏ chính quyền Sài Gòn không còn đủ sức đương đầu với sức mạnh và bước phát triển của cách mạng miền Nam.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ tình hình mọi mặt, nhất là so sánh lực lượng giữa ta và địch, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên cùng Quân đoàn 2 đã xây dựng kế hoạch tác chiến Chiến dịch Trị Thiên.
Theo đó, ta sẽ tập trung toàn bộ lực lượng ba thứ quân của Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của chúng ở Trị Thiên…
Đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/1975, các đơn vị bộ đội của Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đã chiếm lĩnh xong các vị trí tập kết, một số mũi đã luồn sâu, lót sẵn ở đồng bằng. Các đội vũ trang phối hợp với du kích tích cực làm công tác tuyên truyền địch vận kết hợp diệt ác, trừ gian và đấu tranh chính trị, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận để đón thời cơ lớn còn được thể hiện, khi triển khai lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu, thay vì bố trí theo hướng Tây Huế (như xác định ban đầu), ta đã chuyển xuống triển khai theo hương Tây Nam Huế.
Với những thắng lợi dồn dập của ta ở Tây Nguyên và sai lầm trong điều động lực lượng chiến lược của địch đã làm cho địch ở Trị Thiên bị xáo trộn và hoang mang cực độ. Trước tình hình diễn biến mau lẹ, Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 đã hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực lượng giải phóng Trị Thiên-Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây chiến dịch kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt, tiến công tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, không cho chúng rút chạy về “co cụm chiến lược” ở Đà Nẵng, đồng thời, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp đánh địch, hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy giành và giữ địa bàn, đưa Chiến dịch đến toàn thắng.
Ngày 19/3/1975, khi phát hiện địch suy yếu và rút chạy, bộ đội địa phương đã chớp thời cơ tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, do nắm vững thời cơ và bằng cách đánh táo bạo, linh hoạt, sáng tạo, Quân đoàn 2 đã sử dụng Sư đoàn 325 nhanh chóng chuyển hướng từ tiến công lần lượt quân địch trong công sự sang phát triển nhanh đánh chiếm đường số 1 (đoạn từ Bái Sơn đến Bạch Thạch), uy hiếp trực tiếp đến con đường cơ động, chi viện chủ yếu của địch. Sư đoàn 324 chỉ để lại một phần lực lượng thích hợp kìm giữ, thu hút, giam chân địch ở núi Bông, núi Nghệ, điểm cao 303, còn đại bộ phận cơ động thần tốc xuống đánh địch ở vùng đồng bằng, bao vây Huế từ hướng Đông Nam...
Do nắm vững thời cơ, hành động quyết liệt, táo bạo và sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, quân và dân ta đã đồng loại tiến công địch trên cả ba hướng: Bắc, Tây, Nam; thực hiện bao vây địch cả trên bộ, ven biển; tiến công tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, đập tan ý định tập trung lực lượng co cụm lớn ở Trị Thiên.
Trước bối cảnh Quảng Trị bị mất, Thừa Thiên-Huế bị uy hiếp nghiêm trọng, đường số 1 bị cắt, lực lượng tại chỗ bị thiệt hại nặng nề, lực lượng tăng viện rất khó khăn, quân địch không còn đủ sức để phản kích, tái chiếm những địa bàn đã mất mà tập trung mở đường máu tháo chạy để co cụm tại Đà Nẵng.
Phán đoán đúng ý đồ của địch, ta đưa Sư đoàn 325 giữ vững trận địa đã chiếm trên đường số 1, tăng cường đánh địch phản kích, tích cực tiến công phát triển cả về hai hướng Mũi Né và Hương Điền làm chủ đoạn đường số 1 khoảng 10 km, cắt đứt hẳn hy vọng khai thông tuyến giao thông huyết mạch Huế-Đà Nẵng của địch.
Sư đoàn 324 bỏ hẳn núi Bông, núi Nghệ, tiến xuống đồng bằng, cắt đứt đường rút của địch ra cửa Tư Hiền và cửa Thuận An. Lữ đoàn Pháo binh 164 di chuyển trận địa lên điểm cao 75, 76 chi viện cho các đơn vị chiến đấu và khóa chặt các cửa biển Tư Hiền, Thuận An...
Do đường rút chạy bị bịt chặt, phía sau ta đẩy mạnh tiến công làm cho địch như ngồi trên đống lửa. Hàng nghìn xe cơ giới các loại cùng tàn quân địch dồn ứ trên đường số 1 và ở cửa biển Tư Hiền, Thuận An đã nhanh chóng bị ta tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn.
Đặc biệt, đêm ngày 24/3/1975, khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 của địch quyết định bỏ Huế thì số phận của Sư đoàn 1 địch và toàn bộ lực lượng địch ở Trị Thiên-Huế gần như đã được định đoạt. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng trọn vẹn và triệt để nhất của Chiến dịch Trị Thiên.
Diễn biến Chiến dịch:
Đợt 1 (từ ngày 5-20/3): Ta tiến hành nghi binh ở Bắc Quảng Trị đồng thời sử dụng lực lượng địa phương tiến đánh các trục giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền.
Từ ngày 8/3, các đơn vị chủ lực đồng loạt tiến công, đánh chiếm các căn cứ, vị trí phòng ngự của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng (chủ yếu hướng đường số 12 và đường số 14 với các điểm cao 75, 76, 224, 273, 300, 303, cứ điểm Chúc Mao...), đập tan mọi cố gắng phản kích của địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị và một phần Bắc tỉnh Thừa Thiên.
Phối hợp với hoạt động ở Trị Thiên, từ ngày 10-17/3, quân và dân Quảng Nam, Quảng Ngãi kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng các huyện Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Hà, Trà Bồng..., gây sức ép ở Nam Đà Nẵng, buộc địch phải rút các lữ đoàn thủy quân lục chiến 258 và 369 về đối phó.
Đợt 2 (từ ngày 21 đến 26/3/1975): Ta tiến công tiêu diệt địch ở Núi Bông (21/3), đánh chiếm các điểm cao 294, 520, 560 và núi Kim Sắc; cắt đứt đường số 1 đoạn Huế-Đà Nẵng, áp sát sân bay Phú Bài và thành phố Huế. Trước sức ép của ta, địch tháo chạy khỏi Huế ra cửa Thuận An, Tư Hiền để theo đường biển về Đà Nẵng. Ta kịp thời triển khai lực lượng chặn đánh địch rút chạy ở khu vực Đông Nam Huế (từ ngày 23-26/3/1975), đồng thời đẩy mạnh tiến công trên các hướng Bắc, Nam và Tây Nam, đến ngày 26/3, giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.
(Nguồn: QĐND)
Kỷ niệm 40 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế (1975 - 2015) là dịp để chúng ta ôn lại trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc, đồng thời, tiếp tục khẳng định sự thành công xuất sắc về nghệ thuật nắm bắt thời cơ, tận dụng thời cơ và thúc đẩy sự phát triển thời cơ để tạo lập thế trận tiến công giành thắng lợi
(nguồn: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng)