Dưới đây là những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm này.
MERS lây lan như thế nào?
Cho đến nay, virus đường hô hấp trên đã từng có một thời gian rất khó lây từ người sang người. Hầu hết các nạn nhân đều có tiếp xúc trực tiếp với lạc đà hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lạc đà như thịt sống hoặc sữa chưa được tiệt trùng.
Là một bệnh hô hấp, MERS có thể truyền qua những giọt nước trong không khí. Nếu ai đó vô tình hít vào hay chạm lên một bề mặt mà người bệnh từng chạm, người đó có thể nhiễm bệnh. Tiếp xúc thông thường, chẳng hạn như lướt qua một người nào đó trên phố, không phải phải là rủi ro dẫn đến mắc bệnh.
Về mặt lý thuyết, hoàn toàn có thể phòng chống cơ chế lây từ người sang người của virus bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay. Năm ngoái, MERS từng lây lan từ một bệnh viện ở Saudi Arabia và gần đây nhất là tại một phòng khám ở Hàn Quốc. Đây được xem là nơi một người đàn ông trở về từ Saudi Arabia cách đây hai tuần, sau đó lây lan virus cho 34 người khác .
Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã khiến MERS bùng phát rộng rãi như thời gian này.
Triệu chứng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, các triệu chứng của một người nhiễm MERS bao gồm: Sốt, ho, khó thở, tiêu chảy, đau nhức cơ thể, buồn nôn, cuối cùng là viêm phổi và suy thận. Thời kỳ ủ bệnh thường là 5 hoặc 6 ngày, nhưng cũng có thể lên đến 14 ngày.
Loại virus này lấy đi mạng sống người nhiễm bằng cách gây ra các biến chứng hô hấp hoặc suy thận, sốc nhiễm trùng, lấn át cơ chế phòng vệ của cơ thể.
Ai có nguy cơ mắc bệnh cao nhất?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người có khả năng nhiễm bệnh cao nhất là đàn ông trên 50 tuổi có tiền sử bệnh lý từ trước, chẳng hạn: bệnh thận, phổi, tiểu đường, hay các phương pháp điều trị ung thư làm giảm khả năng miễn dịch.
Điều trị người nhiễm MERS như thế nào?
Mặc dù đã được biết đến hơn 3 năm, hiện vẫn không có loại vắc xin cụ thể hoặc phương pháp điều trị nào cho MERS. Các bệnh nhân nặng chỉ đang được chăm sóc chuyên sâu và điều trị theo triệu chứng.
Ở Hàn Quốc, chính phủ hành động một cách nhanh chóng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tương tự Ebola ở Tây Phi, cách tốt nhất để kiểm soát virus là khoanh vùng và cô lập những người đã tiếp xúc với người bị bệnh, Darryl Falzarano - một nhà khoa học thuộc Trung tâm Vaccine Quốc tế cho hay.
Tuần trước, Hàn Quốc đã cách ly hơn 1.300 người và đóng cửa hàng trăm trường học để giữ cho virus không lan rộng.
Còn hi vọng nào cho một loại vắc xin?
Daniel Lucey - một nhà vi sinh và miễn dịch học tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, nói tình hình sẽ trầm trọng hơn do sự thiếu tiến bộ của con người so với MERS. Đặc biệt là vì virus cùng một họ với SARS - căn bệnh hô hấp từng gây hoảng loạn trên toàn cầu những năm 2003-2004, khi nó lây lan từ Trung Quốc đến tận Canada.
Trong năm qua, các nhà nghiên cứu của chính phủ Mỹ tiến hành tạo ra những con chuột mẫn cảm với MERS, qua đó sớm cho ra đời một loại vắc xin ngăn ngừa virus. Các nhà khoa học trên khắp quốc gia này cũng đang miệt mài nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa một loại vắc xin nào từng được thử nghiệm trên cơ thể người.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia hướng sang một mục tiêu khác, tìm ra một loại thuốc ngừa MERS dành cho lạc đà.
Falzarano hỏi: "Nếu tiêm chủng ở người, bạn sẽ tiêm cho ai? Những người ở Saudi Arabia? Trung Đông?". Trong khi một loại vắc xin cho lạc đà có thể được phát triển trong vòng chỉ 1 năm, vắc xin dành cho con người có khả năng sẽ chưa được sử dụng rộng rãi cho đến trước năm 2020, vì lý do an toàn.
MERS đến từ đâu? Tại sao bây giờ mới bùng phát?
MERS là một căn bệnh lây từ động vật sang người, tuy nhiên không ai biết điều đó diễn ra như thế nào. "MERS vẫn còn khá bí ẩn", ông Stephen Morse - giáo sư về dịch tễ học tại thuộc Đại học y tế cộng đồng Mailman cho biết.
Trong một nghiên cứu gần đây, chỉ 15 trong số 10.000 người Saudi được phát hiện có mang kháng thể MERS-CoV trong người. Điều đó cho thấy 15 người này đã tiếp xúc với virus. Tỷ lệ này được giới khoa học đánh giá là rất thấp.
Lạc đà trên khắp Trung Đông đều chứa kháng thể với MERS, cho thấy chúng là nguồn gốc của căn bệnh. Nhưng khi nghiên cứu mẫu máu, các nhà khoa học phát hiện kháng thể nói trên tồn tại trong những con lạc đà ít nhất là từ những năm 1990. Vậy điều gì đã khiến MERS bỗng nhiên bùng phát dữ dội?
Theo Vincent J. Munster - trưởng ban nghiên cứu Virus tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, rất có thể mối nguy của virus đã không được chú ý từ trước, cho đến khi những người đàn ông lớn tuổi, vốn có tiền lệ mắc các căn bệnh khác vô tình mắc phải. Cũng có thể virus đã đột biến, khiến nó dễ lây lan và nhân bản tốt hơn trên cơ thể người. Một khả năng khác là việc xử lý các sản phẩm của lạc đà xuất hiện vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến con người.