|
Sẽ cấp Số định danh cá nhân ngay khi đăng ký khai sinh - Ảnh minh hoạ |
Đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật điều chỉnh riêng lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch sau hơn 60 năm thực hiện bằng văn bản dưới luật (các Nghị định của Chính phủ; Thông tư liên tịch, Thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ), là bước hoàn thiện khá cơ bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam.
Đồng thời, Luật Hộ tịch cũng có ý nghĩa đột phá, “cách mạng” với nhiều quy định hoàn toàn mới.
Cấp số định danh cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh
Luật Hộ tịch tạo nền móng cho việc sử dụng phương thức quản lý dân cư hiện đại đã áp dụng ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc cấp Số định danh cá nhân ngay khi đăng ký và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em.
Các quy định tập trung vào việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch cá nhân, đồng thời kết nối, cung cấp thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới đổi mới, áp dụng phương thức đăng ký hộ tịch tiên tiến (đăng ký trực tuyến mọi cấp độ, cá nhân có yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể thực hiện yêu cầu đăng ký của mình tại nhà hay tại bất cứ đâu).
Luật cũng quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin cá nhân, là cơ sở để cung cấp thông tin cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ người dân, bao gồm những thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch và các lĩnh vực khác.
Đơn giản tối đa việc xuất trình các giấy tờ về nhân thân
Từ việc cấp số định danh cá nhân và sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tất cả thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng, các lĩnh vực khác liên quan đến người dân nói chung sẽ được đơn giản tới mức tối đa, người dân không phải nộp, xuất trình nhiều loại giấy tờ chứng minh tình trạng nhân thân như hộ khẩu, chứng nhận kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, bản án/quyết định ly hôn… khi làm thủ tục hành chính, chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ghi số định danh cá nhân, bởi tất cả thông tin đã được cập nhật gắn liền với số định danh của cá nhân đó.
Đồng thời, thời gian thực hiện thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn đáng kể, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho cả cơ quan Nhà nước và người dân.
Được cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú
Luật phân cấp thêm một bước về thẩm quyền đăng ký. Mở rộng đáng kể hệ thống cơ quan đăng ký hộ tịch thông qua quy định chuyển giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ cấp tỉnh cho cấp huyện (từ 63 đầu mối thành trên 700 đầu mối).
Với quy định mới này, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có thể thực hiện yêu cầu tại bất kỳ cơ quan đăng ký hộ tịch nào có thẩm quyền tương đương, không phụ thuộc nơi cư trú, đặc biệt là việc xin cấp bản sao trích lục hộ tịch (tương tự như việc xin cấp bản sao Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn hiện nay) sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết.
Khi đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, người dân có yêu cầu có thể tới bất cứ cơ quan đăng ký/quản lý hộ tịch nào trên toàn quốc để đề nghị cấp bản sao trích lục với trên 12.000 đầu mối và được đáp ứng gần như ngay lập tức do có thể trích xuất dữ liệu bằng quy trình tin học và biểu mẫu giấy tờ hộ tịch giao cho cơ quan đăng ký hộ tịch chủ động in, phát hành.
Đồng thời với việc mở rộng, phân cấp thẩm quyền, Luật cũng nâng cao trách nhiệm của người quản lý, người thực hiện thông qua quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chuyên môn.
Theo đó, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã phải tốt nghiệp Trung cấp Luật, công chức hộ tịch cấp huyện phải tốt nghiệp Đại học Luật trở lên và được bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và người dân trên địa bàn về chất lượng, hiệu quả đăng ký hộ tịch của địa phương, không được tuyển dụng, bổ nhiệm người không có đủ tiêu chuẩn chuyên môn làm công tác hộ tịch.
Để thi hành Luật Hộ tịch, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đăng ký hộ tịch, thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra và sẽ kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật hộ tịch, có thể xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với những điểm mới mang tính “cách mạng” như vậy, Luật Hộ tịch khi được thực hiện hiệu quả trong thực tế chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và cả cách thức người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, việc đăng ký, quản lý hộ tịch sẽ đạt chất lượng, hiệu quả cao, phục vụ tốt cho việc hoạch định chính xác các chính sách kinh tế, văn hóa, y tế, xã hội… góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền lợi của người dân.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp