Nạn nhân của tình trạng mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có đối tượng là nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng… Trên 16% các vụ việc liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Điều này cũng dễ hiểu khi hiện nay Việt Nam có trên 337.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, đưa đến việc các đối tượng lừa nạn nhân bán ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Về thủ đoạn mới, thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, một số nước miễn thị thực… để tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm người thân, lao động trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Theo Luật Phòng chống mua bán người năm 2011, những biện pháp phòng ngừa chung bao gồm thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; tư vấn về mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự; quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xuất phát từ nhận thức trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai quan trọng trong việc phòng chống nạn mua bán người. Từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.
Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là các Chi Hội Phụ nữ.