Qua thống kê, Thừa Thiên Huế hiện gìn giữ trên 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ, trong đó có những di tích đặc biệt quan trọng. Tiêu biểu như Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (T.P Huế), nơi Người và gia đình từng sinh sống từ năm 1895 – 1901, khi thân sinh Bác vào Huế học hành, thi cử. Ở làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang) hiện vẫn còn ngôi nhà, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc từng đưa Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung về dạy học từ 1898 - 1900. Tại đây còn nhiều địa danh gắn bó với Nguyễn Sinh Cung khi cậu theo cha về làng Dương Nỗ như di tích Bến Đá, Am Bà, Đình làng Dương Nỗ.
Cách trung tâm Tp Huế không xa, ở chân núi Tam Tầng, phường An Tây, Tp Huế, nay hãy còn địa điểm, là nơi mai táng thân mẫu Người, bà Hoàng Thị Loan, khi bà qua đời ở Huế và rất nhiều những địa điểm di tích khác ở Huế, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học, từng tham gia các hoạt động yêu nước như Địa điểm Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, nay là công viên Phan Đăng Lưu (TP Huế), nơi Nguyễn Tất Thành đã học tiểu học những năm 1906 - 1908. Là Trường Quốc Học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành đã học từ 1908 - 1909. Là Địa điểm Toà Khâm sứ Trung kỳ (nay là Trường Đại học Sư phạm Huế), nơi Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế tháng 4 năm 1908... Và nhiều di tích khác liên quan đến gia đình Người như ngôi nhà bà Nguyễn Thị Thanh (chị Bác) từng sống những năm 1924-1930; Ngôi nhà ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác) từng sinh sống ở Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế...
Trong số 20 di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, có 4 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh.
Ngoài hệ thống di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là nơi trưng bày trên 1.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; lưu giữ trên 10.000 tư liệu, hiện vật tại kho cơ sở trong đó có nhiều hiện vật gốc có giá trị, tiêu biểu như: Những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế; sưu tập băng tang của nhân dân Thừa Thiên Huế để tang Người; chiếc đồng hồ là kỷ vật của Bác Hồ tặng anh hùng A Nun; Chiếc áo lụa là quà tặng của Bác Hồ dành cho ông Lê Đình Cúc. Trong những năm kháng chiến, anh hùng LLVT Kan Lịch được Bác Hồ tặng chiếc đài, hiện nay kỷ vật này là hiện vật quý giá của Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Hội tụ nhiều giá trị nhân văn
Thành lập năm 1979, hơn một phần tư thế kỷ qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị để di sản Hồ Chí Minh lan tỏa và thấm sâu vào đời sống nhân dân.
Quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hồ Chí Minh ở Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận được sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của các cơ quan quản lý, chuyên môn như: Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; Khoa Lịch sử của các trường đại học... Đặc biệt các nhà nghiên cứu, các nhà Huế học, các nhân chứng lịch sử với trách nhiệm và tâm huyết đã góp sức nghiên cứu, xác minh, cung cấp tư liệu, hiện vật để Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm về Người được bảo tồn, tôn tạo đúng hướng. Bảo tàng đồng thời nhận được sự quan tâm, ủng hộ hết lòng của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế. Nhiều gia đình đã không tiếc nơi sinh sống lâu đời của gia đình để hiến tặng cho công tác trùng tu, tôn tạo. Mỗi năm, hàng trăm tư liệu, hiện vật được các bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh, các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhân dân, cán bộ trao tặng cho Bảo tàng, là chất liệu chính để xây dựng nên một nhà trưng bày về thân thế - sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung phong phú, cảm động và giàu ý nghĩa.
Để tạo phần hồn cho bảo tàng, đơn vị chú trọng xây dựng các bộ sưu tập hiện vật như: Sưu tập tem, tiền có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sưu tập bưu ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sưu tập kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế; Sưu tập hiện vật về những người con ưu tú được Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt và đào tạo; Sưu tập kỷ vật kháng chiến... Những bộ sưu tập tư liệu, hiện vật được lưu giữ, trưng bày là tiếng nói chân thực, khách quan, khoa học cho công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đông đảo quần chúng nhân dân.
Nhằm khai thác tối ưu và có hiệu quả nhất thiết chế bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, các trung tâm lữ hành... xây dựng các tuyến tham quan du lịch kết hợp giữa hệ thống di tích Cố đô, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh với các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp với các đơn vị trong hệ thống bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc xây dựng tour du lịch “Hành trình theo chân Bác”, đến các địa phương ngày nay còn lưu giữ nhiều dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Hà Nội, Hà Tây, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Hiện, Bảo tàng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục, đa dạng hóa các hoạt động như tổ chức lễ dâng hoa, báo công, kết nạp Đoàn, Đội, kết nạp Đảng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, kể chuyện Bác Hồ, Hội thi tìm hiểu, thi sáng tác nghệ thuật chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tổ chức một số hoạt động mang tính chất thường xuyên, phục vụ cho khách tham quan hàng ngày đến Bảo tàng và di tích như: Chiếu phim tư liệu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm chuyên đề, triển lãm lưu động, tuyên truyền lưu động; ký kết các hoạt động phối hợp với các ngành, các cấp, tạo không khí sôi nổi tại Bảo tàng và di tích như tổ chức tọa đàm, hội thảo, phát động thi đua, các buổi lễ phát động các chiến dịch của Đoàn Thanh niên... Đơn vị đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục xây dựng các bài giảng ngoại khóa gắn các bài giảng lịch sử trong nhà trường phổ thông, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Năm 2007, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng phòng thông tin tư liệu với hơn 2000 trang nội dung và trên 1000 hình ảnh nhằm đưa những thông tin về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên mạng máy tính nội bộ phục vụ khách tham quan nghiên cứu, học tập và hiện, bảo tàng đã có trang thông tin điện tử.
Có thể nói, hệ thống tư liệu, hiện vật và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế hội tụ nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, mang đậm dấu ấn về cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Việc bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh ở Huế luôn có sức lan tỏa mãnh liệt từ thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hình thành, vun đắp lý tưởng sống, hoài bão cho các thế hệ.
( Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế)