Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Vai trò đại biểu - chế định trung tâm của việc sửa đổi Luật Tổ chức QH
Ngày cập nhật 17/06/2014

(Chinhphu.vn) - Nội dung quan trọng trong dự Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được đại biểu quan tâm thảo luận sáng nay (16/6) là việc thể hiện vị trí trung tâm của đại biểu trong hoạt động Quốc hội nói chung.

Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đa số các ý kiến đại biểu vẫn tán thành việc chuyển quy định về đại biểu Quốc hội (QH) từ Chương IV của Luật hiện hành lên Chương II nhằm thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu trong hoạt động của QH.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về các chế định làm rõ được vai trò của đại biểu QH, về cơ chế hoạt động của đại biểu QH còn nặng tính hành chính, về tiêu chuẩn, độ tuổi, trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định về những việc đại biểu không được làm để bảo đảm tính độc lập cho đại biểu QH, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu QH; quy định cụ thể địa vị pháp lý của đại biểu QH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương.

Nhiều ý kiến đề nghị Luật cần quy định cụ thể hơn các điều kiện bảo đảm cho đại biểu QH, đặc biệt là các đại biểu QH chuyên trách ở địa phương, các đại biểu QH ứng cử ở vùng sâu, vùng xa; nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng bộ máy giúp việc cho đại biểu QH; cân nhắc việc quy định mỗi đại biểu QH hoạt động chuyên trách có một thư ký giúp việc vì khó khả thi... 

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, đại biểu QH nước ta phần lớn hiện đang kiêm nhiệm, vì vậy, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu là hết sức hạn hẹp. Do đó, để đảm bảo cho đại biểu QH luôn giữ vai trò trung tâm, cần nhiều cơ chế hỗ trợ. Dự Luật nên xác định một số nội dung mang tính nguyên tắc như quyền đại biểu được cung cấp thông tin, hỗ trợ trong việc trình sáng kiến pháp luật, nhận hỗ trợ từ bộ máy giúp việc, được tổ chức bộ máy giúp việc; QH xác định đảm bảo về kinh phí, điều kiện làm việc cho đại biểu, xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bộ, máy giúp việc cho đại biểu.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích, quy định về đại biểu QH, nhất là về tiêu chuẩn đại biểu QH, có vị trí then chốt trong Luật này. Dự thảo nêu 5 tiêu chuẩn đại biểu QH là cơ bản đầy đủ cụ thể, nhưng cần bổ sung tiêu chí quan trọng là tư duy phản biện.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao số lượng đại biểu chuyên trách. Mong muốn của đại biểu là dự Luật mới bên cạnh việc xây dựng theo hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách cũng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu chuyên trách, khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng lòng mong đợi của cử tri.

Nhiều ý kiến đề xuất quy định thẳng vào trong Luật việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách theo lộ trình từ 40% đến 2/3 tổng số đại biểu QH. Trong đó tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách ở địa phương lên tối thiểu là 2 người. Còn số lượng đại biểu chuyên trách ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu của các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc và không có sự phân biệt đại biểu QH chuyên trách ở Trung ương và đại biểu QH chuyên trách ở địa phương như hiện nay.

Tương tự, có ý kiến cho rằng cần phải thiết chế rõ hơn với quy định Đoàn đại biểu QH, thậm chí pháp nhân hóa các Đoàn đại biểu. Theo đó, trách nhiệm, quyền hạn của các Đoàn phải cụ thể, nhất là trong nhiệm vụ giám sát thi hành pháp luật ở địa phương, có cơ chế, ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương với các Đoàn đại biểu.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, trước khi đề xuất những vấn đề mới về cơ chế, trách nhiệm, tổ chức hoạt động của đại biểu QH, đại biểu chuyên trách hay các cơ quan, tổ chức QH, thì cần có những thay đổi mạnh mẽ để hoạt động QH thực quyền hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng dự thảo lần này chưa thực sự đổi mới mạnh mẽ. Ngay vai trò trung tâm là đại biểu QH dù được đưa vào một chương, nhưng nội dung không có gì mới, với chế độ chuyên trách và không chuyên trách như hiện nay, QH vẫn còn cơ chế mặt trận.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần quy định riêng, cụ thể về đại biểu chuyên trách với quyền hạn, trách nhiệm và vai trò cụ thể để chấm dứt tình trạng hành chính hóa, làm phình hơn nữa bộ máy hành chính, tăng chi ngân sách trước khi thảo luận chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

Một số ý kiến cũng đề cập tới vị trí, chức năng, quyền hạn của các cơ quan QH, việc nâng cấp các Ban của Ủy ban Thường vụ QH, về chức danh Tổng Thư ký QH.

Cổng thông tin Chính Phủ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 322.400
Truy cập hiện tại 995