Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Xây dựng thương hiệu cho TP Huế
Ngày cập nhật 25/06/2014

(TTH) - Trong chiến lược phát triển của Huế, di sản lịch sử và văn hóa chính là thế mạnh giúp tạo ra thương hiệu đô thị, rất cần thiết cho hoạt động tiếp thị đô thị và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị…

Khi định hướng phát triển Huế, cần xem xét vai trò trong mối quan hệ với TP Đà Nẵng láng giềng. Huế nên được định hướng phát triển cùng kết hợp với TP Đà Nẵng thành cặp đô thị lịch sử văn hóa và kinh tế có năng lực cạnh tranh tổng hợp cao, hình thành nhân lõi phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ kéo dài từ Quảng Trị đến Bình Định.

Huế - Thương hiệu luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Diên Thống

Tăng cường năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh đô thị được đánh giá thông qua cơ cấu kinh tế, hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường thể chế. Để cạnh tranh thành công, cặp đô thị Huế - Đà Nẵng cần nhận dạng rõ các đô thị đối thủ, không thể chỉ chăm lo tăng cường thực lực nội bộ mà còn phải xây dựng thương hiệu của mỗi đô thị và đẩy mạnh công tác tiếp thị hướng đến thị trường mục tiêu, tổ chức các sự kiện như hội chợ, hội thảo, giao lưu gặp gỡ, cuộc thi, festival…
Tiếp thị đô thị là một dạng của “Tiếp thị nơi chốn”, xem vị trí địa lý cũng có thể đem ra tiếp thị như hàng hóa nhằm thu hút sự quan tâm của “khách hàng” là nhà đầu tư, giới kinh doanh, khách du lịch, người tiêu dùng, nhân tài các loại và cả với cư dân bản địa đối với các sản phẩm, dịch vụ, môi trường tự nhiên và nhân tạo tại nơi ấy. Tiếp thị đô thị rất cần đến thương hiệu đô thị, gắn với hình ảnh đô thị nhằm thông qua các thông tin, ký hiệu và biểu trưng (logo) để tạo ấn tượng sâu sắc trong ký ức tập thể của công chúng trong và ngoài nước.
Huế đã có một số chủ trương và hoạt động tiếp thị đô thị, nhưng khi là thành phố trực thuộc Trung ương thì cần xây dựng thương hiệu đô thị và tiến hành quảng bá nó một cách bài bản.
Cần có thương hiệu đô thị
Thương hiệu và hình ảnh của TP Huế chính là những nhận thức và đánh giá đã được tổng quát hóa và trừu tượng hóa của công chúng trong và ngoài đô thị đối với môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa, lịch sử và con người ở nơi đây. Xây dựng thương hiệu và hình ảnh đô thị không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn nhằm tăng cường cảm nhận nơi chốn, cảm nhận quy thuộc, cảm nhận cộng đồng và lòng tự hào của người dân Huế ở bất cứ đâu, thể hiện tầm nhìn chung của chính quyền và người dân về định hướng phát triển Huế, mà ngày nay chính là mô hình đô thị sinh thái kiêm kinh tế Eco2 do Liên minh các đô thị đề xướng và được Ngân hàng Thế giới hậu thuẫn.
Huế là thành phố lịch sử văn hóa, thế nhưng Huế mong muốn công chúng trong và ngoài nước nhận thức về mình như thế nào? Như một thành phố cổ kính trang nghiêm trầm mặc hay như một thành phố giàu bản sắc đang phát triển sôi động, hay vừa cổ kính vừa phát triển sôi động? Tôi nghĩ hình ảnh pha trộn sau cùng này chính là cái mà thành phố đang muốn đem ra giới thiệu về mình, thể hiện chiến lược bảo tồn và phát triển của thành phố trong tương lai. Như vậy thương hiệu của Huế phải gắn kết mật thiết với hình ảnh của một cố đô, một trung tâm Phật giáo quan trọng, một thành phố du lịch và Festival đặc sắc, một trung tâm giáo dục và y tế nổi tiếng, và cuối cùng là một trung tâm công nghiệp công nghệ cao năng động.
Khi xây dựng thương hiệu và hình ảnh của Huế thì đồng thời phải đưa ra được các giá trị cốt lõi của thành phố này. Giá trị cốt lõi của đô thị một mặt làm nổi bật bản thể của đô thị, mặt khác cũng là lời cam kết, lời mời gọi trong ứng xử với các “khách hàng” tiềm năng của đô thị.
Vậy các giá trị cốt lõi của Huế là gì? Hiển nhiên phải qua tổ chức nghiên cứu thảo luận công phu và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng thì mới có thể tìm ra đáp án đúng đắn. Tuy vậy, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, phải chăng có thể nghĩ đến các thế mạnh hiện nay về du lịch, giáo dục, y tế và trong tương lai về công nghệ cao của Huế, với chỗ ba dựa then chốt là di sản lịch sử văn hóa, phong cảnh hữu tình và nguồn nhân lực có chất lượng, hay rộng hơn nữa là của “nguồn vốn xã hội của đất “Thần kinh”?
Để tạo hiệu ứng thị giác cho thương hiệu, TP Huế cũng cần có biểu trưng (logo) của mình. Việc thiết kế logo là cực kỳ khó vì “trăm người trăm ý”, nhưng khó nhất là làm sao để một hình vẽ đơn giản lại chứa đựng nội hàm phong phú, khả dĩ làm nổi bật được “bản thể” (indentity) hay “cá tính” (personnality) của thành phố.
Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu
Gần đây, nhờ Liên đoàn đô thị Canada giới thiệu kinh nghiệm xây dựng thương hiệu đô thị khi hợp tác với Hiệp hội đô thị Việt Nam trong dự án “Lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương” thì vấn đề thương hiệu đô thị mới đặt ra cho đô thị nước ta. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu Huế sẽ là thí điểm mở đường giúp kinh nghiệm quý báu cho các đô thị khác. Thực ra trong quá khứ, Huế đã là nơi chốn có thương hiệu “tự phát” như “Huế đẹp và thơ”, “Miền sông Hương, núi Ngự”, “Chốn Thần kinh”… nhưng còn tản mạn và thiếu rõ ràng, nay cần tái định vị thương hiệu một cách bài bản để đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát triển đô thị trong thời kỳ mới.
Xây dựng thương hiệu chỉ mới là khâu đầu của chiến lược thương hiệu. Để thương hiệu đô thị phát huy tác dụng trong cuộc sống thì còn phải biết cách quản lý thương hiệu và quảng bá nó rộng rãi đến các đối tượng tiềm năng. Hiện thời, lý luận về quản lý và truyền bá thương hiệu đô thị vẫn còn phải vay mượn từ lý luận thương hiệu doanh nghiệp với các nguyên tắc quản lý chiến lược hóa, hệ thống hóa, quy phạm hóa và pháp quy hóa, và phân thành ba mảng quản lý: Quản lý chiến lược hình ảnh thương hiệu đô thị tức là xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng và bồi dưỡng hình ảnh thương hiệu, thường xuyên theo dõi tác động của hình ảnh thương hiệu rồi tổng kết, đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh; nhận dạng các mặt được và chưa được để hình ảnh thương hiệu đô thị ngày càng gây được ấn tượng sâu sắc và truyền bá rộng rãi. Quản lý tiêu chuẩn hình ảnh thương hiệu đô thị tức là tiến hành quy phạm hóa, hệ thống hóa hình ảnh thương hiệu và xác lập cơ chế quản lý toàn diện việc sử dụng nó trong thực tiễn. Quản lý vận doanh hình ảnh thương hiệu đô thị tức là khai thác hình ảnh thương hiệu, thông qua các hoạt động như hội chợ, triển lãm, cuộc thi, lễ hội; các phương tiện truyền thông như báo đài, quảng cáo ngoài trời, trang web, các hoạt động quảng bá du lịch như bản đồ, sổ tay hướng dẫn để truyền bá rộng rãi đến các đối tượng mục tiêu và thu được kết quả mong đợi.
 
Thừa Thên Huế Online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 322.400
Truy cập hiện tại 585