Nghiên cứu Kết luận 48 của Bộ chính trị, vấn đề cốt lõi để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị trung tâm. Đô thị trung tâm được xác định, gồm, Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An. Điều này càng rõ hơn khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng TP Huế gấp gần 5 lần với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế, là một trong ba thành phố di sản của Đông Dương, với tư cách là thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á; là một trong sáu đô thị cấp quốc gia. Rõ ràng, quy hoạch mở rộng thành phố Huế 6-2014 của Thủ tướng Chính phủ là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa Kết luận 48 của Bộ chính trị, bởi vì nếu hoàn chỉnh đô thị trung tâm thì rõ ràng Huế là một trong 6 đô thị cấp quốc gia và đương nhiên Thừa Thiên Huế bảo đảm tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Vấn đề chủ đạo của đô thị trung tâm là lấy tăng trưởng xanh làm trọng tâm. Ảnh: HP
|
Ý đồ như vậy, tiếc rằng, quy hoạch mở rộng thành phố Huế của Thủ tướng chính phủ không được đưa ra trong trưng cầu dân ý về việc chia các quận ở Huế diễn ra đầu năm nay để bảo đảm các quận không manh mún và không thể hiện được triển vọng phát triển của các quận. Tất nhiên khi nêu vấn đề này, chúng ta còn nhiều thời gian trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Giải quyết đô thị trung tâm sẽ giải tỏa các thắc mắc của các ý kiến phản biện, tạo thống nhất cao trong dư luận, các nhà khoa học, nhà văn hóa, các nhà đô thị học. Như nguồn lực hiện nay, chúng ta cũng chỉ đủ sức giải quyết đô thị trung tâm, nếu không nói là bất cập.
Huế chất chứa trong mình nhiều trung tâm lớn của đất nước về văn hóa, du lịch, khoa học, công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo. Vấn đề đặt ra, điều chỉnh lại quy hoạch các quận bảo đảm chứa các trung tâm đã được xác định, mở ra khả năng mới trong kêu gọi thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ sở tạo điều kiện chuyển dịch đô thị phù hợp.
Vấn đề chủ đạo của đô thị trung tâm là thành phố xanh, lấy mục tiêu tăng trưởng xanh làm trọng tâm. Đây là vấn đề không hề đơn giản, đòi hỏi phải tập trung khả năng, ý chí, xây dựng quy chế, thể chế với sự động viên của trí tuệ của người dân, các nhà khoa học. Đối với đô thị cổ là giãn dân, hạn chế xe cơ giới, đối với các khu đô thị mới là hạ tầng đô thị đồng bộ, nhất là việc xử lý rác thải, nước thải, đặc biệt là việc xử sự đúng đắn với hai bờ sông Hương... Cao hơn hết là sự thỏa mãn của người dân. Người dân tham gia quy hoạch, thực hiện quy hoạch, sống được nhờ quy hoạch và không cảm thấy bức bối khi thành phố phát triển. Làm được điều này, Huế sẽ là thành phố điển hình, đặc trưng của Việt Nam, là một trong 6 thành phố cấp quốc gia.