Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các đồng chí và các bạn!
Thay mặt lãnh đạo thành phố Huế, tôi xin được gửi lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất đến các quý vị đại biểu của các đô thị tham dự hội thảo ngày hôm nay. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Với quyết tâm phát huy lợi thế cố đô và di sản văn hóa thế giới để phát triển Huế thành một trung tâm lớn về văn hóa và du lịch, thời gian qua thành phố Huế đã có nhiều giải pháp tích cực để phát triển du lịch, xem đây là một ngành kinh tế mũi nhọn của Huế theo hướng văn minh, di sản, cảnh quan, thân thiện và an toàn. Để đạt được mục tiêu quan trọng đó thì làm tốt công tác quản lý đô thị là một vấn đề rất quan trọng để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của ngành du lịch. Văn minh, trật tự đô thị là cơ sở để tạo được niềm tin cho nhân dân và du khách khi đến Huế.
Năm nay tổ chức Hội thảo và Hội nghị giao ban Cụm 4 - Hiệp hội Các đô thị Việt Nam với chủ đề “Văn minh, trật tự đô thị là cơ sở để phát triển du lịch bền vững”, tôi xin có một số ý kiến tham luận như sau:
Chủ đề của Hội thảo mà Ban Tổ chức đã chọn là hết sức phù hợp với thực tế của các đô thị ở Việt Nam và cả về mặt lý luận, về xu thế định hướng phát triển đô thị.
Với thành phố Huế, nơi được xác định là trung tâm văn hóa và du lịch đặc sắc, trung tâm thương mại, dịch vụ và giao lưu quốc tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, lãnh đạo thành phố đã xác định 1 trong 4 chương trình trọng điểm là “ Đảm bảo Trật tự đô thị-An toàn giao thông-Vệ sinh môi trường” tương tự như chủ đề, mục đích của Hội thảo.
Với tinh thần đó, thành phố Huế đã quan tâm các nội dung như: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành văn hóa giao thông và thực hiện nghiêm túc trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, chấn chỉnh lối sống, thói quen đô thị, tình trạng đậu đỗ xe, bến bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp; Xây dựng nếp sống giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, có văn hóa trong gia đình, tại địa bàn dân cư, công sở, doanh nghiệp và những nơi công cộng.
Để giải quyết các vấn đề trên, từ năm 2008, HĐND thành phố Huế đã có Nghị quyết 11d/2008/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị với mục tiêu và yêu cầu là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đồng thời thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội đưa thành phố Huế xứng đáng với vị thế đô thị loại I, thành phố di sản, văn hóa, du lịch và Festival đặc trưng của Việt Nam.
Trong những năm qua, Thành ủy và UBND thành phố Huế đã hết sức quan tâm và thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này và gần đây Thành ủy Huế đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 01/10/2013 về tăng cường xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Huế và ngay sau đó UBND thành phố Huế đã ban hành Kế hoạch 2500/KH-UBND ngày 11/10/2013 về triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Huế với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1.Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định của Nhà nước về giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phải thực hiện thống nhất, liên tục, rộng rãi, có chiều sâu, tổng hợp nhiều hình thức. Nội dung phải phong phú, đa dạng, đi sâu phản ánh tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tuyên truyền các biện pháp tập trung khắc phục những mặt còn tồn tại, yếu kém về quản lý trật tự đô thị, tạo chuyển biến tích cực về nếp sống văn minh đô thị, mỹ quan đô thị, tạo môi trường du lịch lành mạnh trên địa bàn thành phố Huế. Động viên, khen thưởng kịp thời đối với những địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có thành tích nổi bật, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy định về quản lý trật tự đô thị.
2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý điều hành của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự thống nhất của các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đối với công tác đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đội ngũ cán bộ cốt cán trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Công an thành phố, phòng Quản lý đô thị và Đội Quản lý đô thị là lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố do đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách đô thị làm trưởng ban, đồng chí Trưởng Công an Thành phố làm phó trưởng ban thường trực cùng các thành viên là đại diện các cơ quan chuyên trách để chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Huế.
Tập trung củng cố lực lượng quản lý đô thị cấp phường cả về con người, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ chuyên môn; đồng thời chăm lo chế độ, chính sách cho người trực tiếp làm công tác trật tự đô thị tại cơ sở. Nghiên cứu hình thức luân chuyển hoạt động của lực lượng giải quyết trật tự đô thị phường này sang làm nhiệm vụ tại phường khác, tránh tình trạng quen biết, nể nang, ngại va chạm. Chủ động điều động lực lượng ban bảo vệ dân phố, dân phòng mạnh, dân phòng khu vực tham gia công tác giữ gìn trật tự công cộng. Sắp xếp, củng cố hoạt động các tổ tự quản xích lô, xe thồ, tự quản giữ gìn trật tự ở các địa bàn: nhà ga, bến xe, bến thuyền, các chợ...
3. Tập trung rà soát, đánh giá, phát huy các mô hình hoạt động có hiệu quả.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở từng phường. Quan tâm thực hiện các chính sách xã hội đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, nhất là số người dân hiện đang sống bám vào các điểm du lịch, di tích, địa bàn công công, hè phố... để mưu sinh.
Nghiên cứu, đầu tư kinh phí chỉnh trang, nâng cấp, bó vỉa, lề đường thêm một số tuyến phố để mở rộng mô hình tuyến phố văn minh. Thực hiện việc đánh giá kết quả xây dựng tuyến phố văn minh gắn với việc bình xét, công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa hàng năm.
Tiếp tục thực hiện quy hoạch các tuyến phố thương mại, xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại. Thường xuyên củng cố, chấn chỉnh tình hình trật tự tại các chợ, nhất là các chợ trọng điểm. Giải quyết dứt điểm tình hình phát sinh chợ tạm, chợ cóc ở các địa bàn.
4. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự đô thị, tạo mỹ quan đô thị và môi trường du lịch lành mạnh.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp lập lại trật tự đô thị trên toàn địa bàn thành phố, trong đó lưu ý những địa bàn trọng điểm, phức tạp như: tuyến phố chính, địa bàn tập trung đông dân cư, khách du lịch lưu trú, điểm tham quan du lịch, bến xe, bến thuyền, nhà ga, chợ, công viên, điểm xanh, trường học.
Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức thu gom đối tượng lang thang, xin ăn; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nâng giá, ép giá, tranh giành, đeo bám khách du lịch.
Tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, chú trọng những địa điểm công cộng, các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các khu danh lam thắng cảnh... Xây dựng thành phố Huế trở thành “Thành phố không khói thuốc”, “Thành phố không có ăn xin đeo bám”, “Thành phố xanh, sạch, đẹp”. Không treo, dán quảng cáo, rao vặt trên cây xanh, cột điện, công trình công cộng... Ban hành quy định một số tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường du lịch không được rải vàng mã khi đưa tang.
5. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng những nhân tố điển hình trong quá trình tổ chức thực hiện. Thực hiện kịp thời việc khen thưởng động viên những đơn vị, các nhân có thành tích và có hình thức xử lý nghiêm, thực hiện phê bình, khiển trách, điều chuyển, cách chức các chức danh chủ chốt các phường và các đơn vị có liên quan đối với các trường hợp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện không hiệu quả.
Trên đây là tham luận của Thành phố Huế về văn minh, trật tự đô thị là cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Chúng tôi xác định đây là dịp để các đô thị trong Cụm chúng ta cùng học hỏi, chia sẻ thông tin, nghiên cứu, phối hợp, hợp tác nhiều hơn, chặt chẽ hơn giữa các đô thị.
Một lần nữa, tôi xin kính chúc các đồng chí, các vị khách quý, các quý vị đại biểu sức khỏe - hạnh phúc - thành đạt.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn !