Huế là nơi đông dân, tập trung theo kiểu phố thị, trẻ theo cha mẹ đến rồi đi theo công tác, học tập, buôn bán... khiến số lượng trẻ cần phổ cập liên tục dao động. Làm thế nào để có một danh sách trẻ trong độ tuổi cần phổ cập chính xác cũng khó. Điều bất ngờ là khi bắt tay rốt ráo cho đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, Huế không phải là đơn vị có cơ sở vật chất (CSVC) tốt. Nói về những khó khăn này, ông Phan Nam, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế cho biết: “Phổ cập các bậc học phổ thông hết sức thuận lợi, nhưng với MN lại khó khăn nhất tỉnh. Nguyên nhân là ở Huế, tỷ lệ trường công trên đầu cháu thấp. Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, hệ thống tư thục, nhất là mẫu giáo độc lập (MGĐL) ở đây rất nhiều. Và đây là điểm yếu khi bắt tay vào phổ cập theo chuẩn”. CSVC của nhóm MGĐL quá tệ, ông Nam cho rằng, các cháu không những thiệt thòi về chương trình, chất lượng nuôi dạy mà còn có thể bị bạo hành và khi tiến hành phổ cập GDMN 5 tuổi, đây là điểm yếu khó tháo gỡ. Trong lộ trình, cái khó đầu tiên là hệ thống CSVC, trang thiết bị của Huế hầu như chưa đảm bảo nhu cầu dạy và học theo quy chuẩn. Thứ hai là tâm lý phụ huynh, coi nhẹ việc đưa trẻ 5 tuổi đến trường; chưa được tư vấn về tính ưu việt của chương trình MN mới. Và, không ít phụ huynh kinh tế không dồi dào, việc bớt một suất đến trường cũng là cách họ giảm thiểu khó khăn kinh tế, dù biết như vậy con em thiệt thòi.
TP Huế có một số điểm trường tốt như Mầm non 1, 2, Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Cát, Vỹ Dạ, Hương Lưu có sự tín nhiệm, “hút” được trẻ ngoại tuyến nhưng lại có những cháu ngay trên địa bàn không chịu đến lớp. Với nhóm như MN Vạn Xuân, Thuận Hòa, Phước Vĩnh, Phường Đúc, Phú Bình ... công tác huy động cháu cũng không ít khó khăn khi nhiều phụ huynh chưa nhìn ra mục tiêu của công tác phổ cập. Tại nhóm trường còn “yếu” từ CSVC như An Cựu, Thủy Xuân... thì công tác vận động khó khăn hơn nhiều lần. Vì vậy, ngoài những biện pháp thông thường, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là hiệu trưởng các trường MN TP Huế đã phải vào cuộc một cách quyết liệt.
Nhiều người quan niệm có tiền, thuê người giữ con, vừa mát mẻ vừa an toàn; khi cần thì thuê gia sư về kèm tận nhà. Bên cạnh đó là những cha mẹ phải bươn bả làm ăn từ sáng tới tối mịt, con cái đứa lớn giữ đứa bé cho đỡ tốn kém... Với những trường hợp này, các cô chờ chực gặp cho được phụ huynh, khi gặp phải thuyết phục dù nhiều phụ huynh không ngại tuyên bố: “Nếu cô đưa đón được thì gửi và gửi không thôi, không tiền bạc gì...”.
Trước tiên, TP Huế quan tâm CSVC, một số trường MN được đầu tư sửa chữa, xây mới phòng học, nhà ăn, khuôn viên, trang bị đồ chơi, bộ thiết bị... Bộ mặt bậc học dần sáng lên cũng góp phần không nhỏ “hút” cháu. Phòng GD&ĐT tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nâng chuẩn đội ngũ bảo đảm chương trình MN mới, các cháu đến trường được dạy hát, múa, dạy kỹ năng sống... Riêng năm 2013-2014, Huế đầu tư hơn 6 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới phòng học, phòng chức năng và mua sắm bộ thiết bị. Đây là một sự đầu tư lớn chưa từng thấy cho bậc học MN từ nhiều năm nay. Tuy tập trung cho đề án, nhưng là nền tảng để các trường định hướng phấn đấu. Chương trình mới cũng là một động lực kích cầu tư duy đội ngũ về ý thức tự học, tự vươn lên. Hiện giáo viên MN hệ công lập và tư thục cơ bản đều đạt và vượt chuẩn, chỉ còn các nhóm MNĐL. Để khắc phục, Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức nhiều khóa học có giá trị “giải pháp tình thế” để trang bị kiến thức nuôi dạy cho các cô. Đến thời điểm này, cháu 5 tuổi của Huế ra lớp đạt 98,73%. Bước vào năm học 2014-2015, Huế sẽ là đơn vị đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi. Nhưng để bảo vệ thành quả này, việc đầu tư cho những trẻ độ tuổi nhỏ hơn đang được ngành quan tâm, bởi hiện tại CSVC, trang thiết bị cho các lứa tuổi dưới 5 vẫn còn yếu và thiếu. Công tác tuyển sinh của các trường hiện dựa trên phương án do Phòng GD&ĐT và thành phố duyệt sau khi điều tra CSVC, đội ngũ của trường và ưu tiên tối đa cho trẻ 5 tuổi, trẻ trên địa bàn. Trường có điều kiện có thể nhận ngoại tuyến nhưng phải tránh tình trạng quá tải... Thực tế vẫn có những bất ổn khi các trường có CSVC tốt, vị trí trung tâm rất hút trẻ, còn các trường CSVC khó khăn thì dù gần nhà, nhiều phụ huynh vẫn từ chối đưa trẻ đến lớp... nhưng bức tranh giáo dục MN của Huế đã sáng lên.
|