Công bố 6 đạo luật mới
Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 Luật và 1 Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Các Luật được công bố gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.
Về Luật Đầu tư công, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc ban hành luật này sẽ góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ trong tất cả các khâu, các hoạt động và quá trình quản lý đầu tư công của tất cả các nguồn vốn đầu tư công.
Luật cũng đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, được coi là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, điều này sẽ ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Đặc biệt, Luật được ban hành nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch đầu tư. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư 5 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó phù hợp với các mục tiêu và định hướng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; bảo đảm cân đối vốn đầu tư với các cân đối lớn của nền kinh tế trong phạm vi cả nước, từng ngành, địa phương; tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương biết rõ được nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch 5 năm để quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả; góp phần tích cực vào phòng chống tham nhũng, cửa quyền trong bộ máy Nhà nước các cấp.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này đã tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2005; bổ sung một số quy định về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường. Đồng thời, hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Các quy định mới cũng phù hợp với các đặc điểm của khoa học môi trường như coi phòng ngừa là chính, các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không bị chia cắt theo địa giới hành chính.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tưởng Duy Lượng cho biết một số điểm mới trong nội dung cơ bản của Luật Phá sản. Đó là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong vòng 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Theo đó, Luật Phá sản không còn dùng khái niệm “lâm vào tình trạng phá sản” mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán”.
Điểm đặc biệt quan trọng được bổ sung trong Luật Phá sản 2014 là về chế định Quản tài viên, theo đó, quy định cá nhân, doanh nghiệp được hành nghề quản lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Với Luật Giao thông đường thủy nội địa, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên cho biết, có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung như quy định phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kết cấu theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý… Ủy ban Nhân dân các cấp tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký.
Về phương tiện thủy nội địa, Luật bỏ quy định đăng kiểm đối với các loại phương tiện nhỏ không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn. Đối với người lái phương tiện, Luật sửa đổi đã bỏ quy định giới hạn không quá 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam để phù hợp với điều kiện thực tế.
Luật Giao thông đường thủy nội địa đã tạo lập được những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động giao thông vận tải trong nước và của các nước trong khu vực.
Luật Hải quan sửa đổi lần này có quy định rõ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, áp dụng các nguyên tắc quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.
Tại cuộc họp báo, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã Công bố lệnh của Chủ tịch nước đối với Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với các trang thiết bị tàu bay, đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua.