Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành Hải quan trong những năm qua. Ảnh VGP/Nhật Bắc
* Tại 2 buổi làm việc trong cùng một ngày với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại nhiều lần cụm từ “không thể chấp nhận” tình trạng còn nhiều yếu kém, bất cập hiện nay để nhấn mạnh tới sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan – 2 lĩnh vực dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chỉ ra hàng loạt những yếu kém, bất cập, hạn chế mà ngành thuế, hải quan cần phải đặc biệt quan tâm, Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng tối đa các yêu cầu của hội nhập, cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tập trung mạnh vào rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo các tiêu chí cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm giảm số lần, thời gian nộp thuế hơn nữa.
Với ngành Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng và hiện đại hóa ngành, sử dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc giữa cán bộ hải quan với doanh nghiệp; đồng ý cho phép ngành hải quan trang bị máy soi hiện đại ở tất cả các cửa khẩu.
Cả thuế và hải quan phải kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, Thủ tướng chỉ thị rõ.
* Tại buổi làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc về chính sách dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược; có ý nghĩa chính trị, vị trí đặc biệt quan trọng. Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là những kết quả về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, được Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thủ tướng cũng nêu rõ cần nghiêm túc nhìn nhận, tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển vùng dân tộc và miền núi, như tỷ lệ hộ nghèo còn cao; còn một bộ phận đồng bào thiếu đất sản xuất, điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ canh tác, hiệu quả sản xuất thấp; y tế, giáo dục-đào tạo còn kém phát triển, trình độ dân trí thấp; cơ chế phối hợp trong thực hiện chính sách dân tộc nhiều lúc còn chưa hiệu quả…
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; quan tâm, chăm lo thực hiện công tác dân tộc bằng tất cả quyết tâm của mình, bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Phong trào thi đua phải vừa thiết thực, vừa bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn
* Phong trào thi đua phải vừa thiết thực, vừa bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội; khen thưởng phải bảo đảm tính nêu gương, giáo dục, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số... Đó là định hướng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” của Bộ Chính trị.
* Tại buổi làm việc với Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, toàn bộ lực lượng phòng chống tội phạm phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ phòng chống tội phạm trong tình hình mới, chú trọng công tác phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa xã hội, chấn chỉnh công tác tiếp nhận và xử lý tin báo tội phạm, xây dựng quy chế, xác định nhiệm vụ cụ thể cho tập thể, cá nhân trong công tác chuyên môn, kiên quyết không để tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia.
Cần phát hiện và xử lý nghiêm khắc nhất đối với những người tha hóa, biến chất, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và niềm tin của nhân dân.
* Dự Lễ thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là một bước phát triển mới về cơ chế pháp lý bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính Nhà nước ở nước ta phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cần nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức cán bộ, công việc để có thể triển khai một cách đồng bộ, bài bản các nội dung của nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần vào việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức.
* Trong tuần, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có các buổi tiếp xúc cử tri, làm việc với lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Nam Định. Đồng thời, thông tin, trao đổi với cử tri về kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua; về tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2014; về tình hình trên biển Đông và hoạt động an ninh, quốc phòng, đối ngoại bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải đáp các kiến nghị của cử tri trong các lĩnh vực của đất nước cũng như ở địa phương; chỉ đạo một số biện pháp trong bài toán phát triển của địa phương.
* Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKK).
Các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa. Đặc biệt, “phân cấp - ủy quyền - một cửa” là mục tiêu nhất quán để tạo sự chủ động, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các Ban quản lý. Mặt khác, kiên quyết chấn chỉnh hiệu suất, năng lực của các Ban quản lý yếu kém, không để xảy ra tình trạng trì trệ. Đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối không để xảy ra sự cố, tình huống gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN, KKT.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chính phủ sẽ quyết tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, dù sẽ rất khó khăn về cân đối ngân sách.. Ảnh VGP/Nguyên Linh
* Trước những khó khăn còn rất lớn của người dân, đặc biệt là của hộ nghèo về nhà ở, để tạo sự an cư lạc nghiệp, Chính phủ sẽ quyết tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, dù sẽ rất khó khăn về cân đối ngân sách, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại cuộc họp xem xét xây dựng Đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn mới và hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh ở những khu vực thường xuyên bị lũ, lụt nghiêm trọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan sẽ đưa vào kế hoạch cân đối vốn trung hạn với dự kiến 2 đề án triển khai trong 5 năm và 3 năm. Cơ cấu nguồn vốn được xác định theo quy định. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ được tính toán, xem xét cụ thể đối với tình hình mới.
* Tại Hội nghị sơ kết giữa năm của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khắc phục khó khăn để tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng mô hình liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Trước mắt, những khó khăn mà các tỉnh ĐBSCL cần tập trung khắc phục gồm các vấn đề như tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu nông sản còn chậm; hạ tầng cơ sở còn thiếu đồng bộ vì thiếu vốn; sản xuất nông nghiệp mặc dù phát triển tốt nhưng vẫn thiếu bền vững, tác động tiêu cực tới đời sống của bà con nông dân.