Để quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, từ đầu năm đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 04 Thông tư hướng dẫn, 02 Quyết định chuyên ngành và Chỉ thị về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với vật tư nông nghiệp gồm về giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng, thức ăn chăn nuôi, phân bón...
Nhìn chung, các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm của các địa phương được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, nhất là triển khai Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT về tổ chức thanh tra diện rộng đối với một số vật tư nông nghiệp trọng yếu như thuốc BVTV, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi và kiểm tra an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, đã tổ chức thanh, kiểm tra 14.323 cơ sở, phát hiện 1.584 cơ sở vi phạm (chiếm 11,6%); triển khai mô hình kiểm soát ATTP đảm bảo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với 21.791 mẫu nông lâm thủy sản và 702 mẫu vật tư nông nghiệp đã phát hiện 570 mẫu vi phạm các chỉ tiêu vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%).
Tuy nhiên, do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho quản lý vật tư nông nghiệp chậm được hoàn thiện nên việc xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tạo động lực khuyến khích hỗ trợ sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, ATTP còn chậm. Việc phân công, phân cấp trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP NLTS còn một số bất cập, hạn chế chưa thực sự phù hợp với phương thức quản lý ATTP theo chuỗi cung ứng thực phẩm. Các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nâng cao chất lượng VTNN, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và chưa chỉ đạo quyết liệt công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn...
Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành Nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã kiểm tra 68/285 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; tiến hành lấy 29 mẫu tôm (9 mẫu tôm sú, 20 tôm chân trắng) tại các các vùng nuôi ở huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và Phong Điền.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các Tổng cục, Cục tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Thú y, Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra nông nghiệp và PTNT cũng như trình Bộ trưởng ban hành 02 Thông tư về quy định chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen và quy định về điều kiện và phương thức quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Hỗ trợ một số địa phương xây dựng các mô hình thí điểm triển khai hiệu quả Đề án “Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất rau phục vụ nhu cầu của các thành phố lớn”, Đề án “Tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật” và Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014- 2020”. Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương đề tiếp tục triển khai các Chương trình giám sát ATTP; tổ chức thanh tra diện rộng chất lượng một số vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc BVTV, phân bón, chất kích thích tăng trường trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nông sản nhập khẩu.
www.thuathienhue.gov.vn