Xuất khẩu thuỷ sản luôn giữ ngôi vị chủ lực trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu ở nước ta, với nhiều loại thuỷ hải sản nuôi và đánh bắt như tôm, cá tra, cá ngừ đại dương... Để “đứng được” trên thị trường thế giới, các đơn vị sản xuất, chế biến nước ta phải đáp ứng một loạt quy định ngặt nghèo về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc như ASC, BAP, GlobalGAP. Các chứng nhận này thể hiện cam kết, hàng thủy sản Việt Nam có chất lượng, có trách nhiệm môi trường, xã hội. Điều đáng quan tâm, trong khi hàng xuất khẩu được kiểm soát chặt chẽ thì sản phẩm thuỷ hải sản bán ở trong nước lại bị buông lỏng, làm người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép.
Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, thực phẩm khan hiến, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ nên chẳng ai băn khoăn về chuyện này. Cái gì cũng tươi ngon, có chừng nào tiêu thụ hết ngay đến đó. Nay đánh bắt, sản xuất, chăn nuôi phát triển, thị trường tiêu thụ mở rộng, các loại thực phẩm “chu du” khắp vùng miền, vượt biên giới, đại dương đi khắp thế giới. Chính vì vậy, bảo quản, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị thối hỏng trong một thời gian dài là một nhu cầu tất yếu và là một biện pháp bắt buộc để lưu thông, phân phối cũng như dự trữ thực phẩm. Nếu việc sản xuất, bảo quản đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng thì chẳng có gì đáng bàn. Đằng này, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan cả người sản xuất, đánh bắt, chế biến đến người buôn bán dùng nhiều thủ đoạn gian dối trục lợi, thậm chí làm tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngày nay, không bà nội trợ nào là không đau đầu trước vấn nạn thực phẩm thật - giả, tươi - ươn lẫn lộn, khó phân biệt được. Chẳng hạn, thịt ôi thiu được nhúng qua nước tẩy đường (NaHSO3), nhìn bề ngoài cứ đỏ tươi, ngon mắt, nhưng khi ăn lại “nuốt” không trôi, thậm chí rước bệnh vào thân. Hoặc cá biển, tuy chẳng lo chuyện nuôi mất vệ sinh, nhưng luôn đứng trước nguy cơ ngộ độc do bị ướp phân đạm. Thông thường, trên những tàu cá lớn có đá để bảo quản lạnh. Trên thực tế, vì lợi nhuận, có những ngư dân đã không đảm bảo việc cấp đông cho cá biển mà bảo quản bằng urê. Nếu nhìn bằng mắt thường, cá vẫn tươi ngon, nhưng khi chế biến lại bị mềm nhũn. Nhiều lần cả nhà tôi bị triệu chứng đau đầu, nôn mửa sau khi ăn cá biển, nên món này hiếm khi xuất hiện trong thực đơn bữa ăn gia đình tôi.
Xử lý các hành vi cố tình “đầu độc” người tiêu dùng là việc cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng thực phẩm. Đồng thời, cần được thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông, phân phối; cả hàng xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa.