|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, cần ưu tiên cải cách thể chế. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, cần ưu tiên cải cách thể chế. Tuy nhiên, có thực trạng là nói dễ hơn làm, qua gần 3 thập kỷ đổi mới, nhiều vấn đề bất cập, hạn chế như một căn bệnh kinh niên, mãn tính đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng thể chế yếu kém. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục cải cách hành chính trong điều kiện mới. Đó là, chuyển mạnh từ nền hành chính “cai trị” sang nền hành chính “phục vụ”, xu hướng xã hội hóa các lĩnh vực công như giáo dục, y tế, thể thao; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đòi hỏi phải có một nền hành chính cạnh tranh, hiệu quả, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Việt Nam bắt đầu bước vào nước có thu nhập trung bình, nền hành chính Nhà nước cần tiếp tục đổi mới phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội và các nguồn lực, tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ chúng ta cải cách nền hành chính nhằm phát huy dân chủ của nhân dân; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy KT-XH phát triển; góp phần đổi mới hệ thống chính trị là rất cần thiết để tiến hành mạnh dạn công cuộc cải cách hành chính mà không đi chệch hướng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nhằm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu và phương hướng đi lên CNXH.
Do đó, những yêu cầu mới đối với nền hành chính nước ta đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý theo cơ chế mới, công cuộc đổi mới cũng đặt ra việc phải củng cố và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả.
Bên cạnh đó, quan hệ đối ngoại đa phương hiện nay đòi hỏi thể chế và cán bộ phải hiểu biết pháp luật, thông lệ quốc tế để việc cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhiệm vụ chính trị.
Đến nay, công cuộc cải cách hành chính của nước ta đạt được những kết quả, chuyển biến quan trọng. Chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; việc cải cách bộ máy được quan tâm từng bước như thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; thủ tục hành chính được cải cách rõ rệt với việc công khai, minh bạch hàng nghìn thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận cơ quan hành chính; tiến hành áp dụng mô hình một cửa liên thông hiện đại; công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức có chuyển biến mới như hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, thi nâng ngạch và thi tuyển chức danh quản lý theo nguyên tắc cạnh tranh; thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Sở ngành; cải cách tài chính công thu được kết quả bước đầu, quản lý tài chính ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn…
Phó Thủ tướng cũng nêu những hạn chế, yếu kém trong quá trình cải cách hành chính. Đó là, thể chế còn phân tán, thiếu tập trung, như việc chia tách đơn vị hành chính (năm 1986 nước ta có 40 tỉnh, 522 huyện, 9.901 xã thì đến hết năm 2013, cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 59 thành phố thuộc tỉnh, 49 quận, 47 thị xã và 548 huyện, 1.545 phường, 615 thị trấn và 9.001 xã).
Thể chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa được thực thi một cách thống nhất, còn bị chia cắt. Theo thống kê, chỉ riêng 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã có tới 101 đầu mối vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu và thực hiện chức năng quản lý, giám sát. Hệ thống thể chế hành chính chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, trật tự, kỷ cương chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhiều nhưng vẫn thiếu đồng bộ, còn nợ đọng; nhiều quy định không khả thi, không phù hợp, thậm chí gây bức xúc xã hội…
Trên cơ sở đó, chúng ta đề ra mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2020 là hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường XHCN với những yếu tố cơ bản như bảo đảm bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường, tính đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường (tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ).
Nhà nước điều hành nền kinh tế theo tín hiệu thị trường. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, tuân thủ điều hành của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ con người, gắn quyền con người với lợi ích của đất nước và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.