Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu năm 2025: nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số từ 15% đến 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); 50% người dùng thiết bị di động được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng. Đồng thời, xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ví điện tử được tích hợp trên ứng dụng Hue-S.
Trong công cuộc thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh nhà, Thừa Thiên Huế đã triển khai siêu ứng dụng trên nền tảng di động Hue-S tích hợp đa dạng các dịch vụ đô thị thông minh tạo ra nhiều bước đột phá đáng kể như giúp chính quyền địa phương xử lý nhanh chóng mọi vướng mắc của người dân, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Hue-S còn hỗ trợ kịp thời cho người dân trong phòng, chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh COVID-19, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; góp phần quan trọng trong việc hình hành xã hội số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Từ đó, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội và xây dựng được lòng tin của người dân đối với chính quyền. Không dừng lại ở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn tiếp tục triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử trên nền tảng Hue-S và tổ chức lễ ra mắt giải pháp này tại ngôi chợ Đông Ba truyền thống vào cuối tháng 10/2022.
Lễ ra mắt Ví điện tử trên nền tảng Hue-S tại chợ Đông Ba.
Lan tỏa Hue-S và Ví điện tử trong cộng đồng
Giải pháp thanh toán số liền mạch trên Hue-S là kết quả ban đầu của nội dung hợp tác chuyển đổi số giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn FPT, được ký kết trong Tuần lễ Chuyển đổi số Thừa Thiên Huế tháng 8/2022. Với phương châm may đo giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, Ví điện tử được “nhúng” ngay trên Hue-S – một ứng dụng được người dân Thừa Thiên Huế sử dụng hàng ngày.
Ví điện tử trên Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch, kết nối với 40 ngân hàng, cho phép người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần chuyển tiếp qua bất cứ ứng dụng trung gian khác như chuyển tiền, nạp/rút tiền và thanh toán các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như: điện, nước, internet, truyền hình, phí đường bộ, điện thoại trả sau... Với phương châm mở Hue-S là có Ví, các bước đăng ký tài khoản Ví điện tử, liên kết thẻ thanh toán trên Hue-S cũng diễn ra đơn giản, nhanh chóng, bảo mật và hoàn toàn miễn phí. Tính năng quét mã QR trên Hue-S đã được hợp nhất với tính năng thanh toán, cho phép người dùng có thể quét mã QR để mua sắm tại hơn 200.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
Người dân thanh toán bằng Ví điện tử khi mua sắm.
Đặc biệt khi thanh toán qua Ví điện tử, người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch bởi các dịch vụ được tích hợp luôn đảm bảo tính chính thống và bảo vệ tối đa người dùng. Hơn nữa, giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với các hình thức giao dịch truyền thống, tránh rủi ro, bất cập cho người dân mà không cần tải quá nhiều ứng dụng trên điện thoại của mình.
Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng Ví điện tử trên Hue-S.
Bắt đầu từ tháng 10/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện ra quân tuyên truyền, hướng dẫn mở Ví điện tử và các điểm chấp nhận thanh toán cho người dân tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như chợ Đông Ba, các phường, huyện; hệ thống các nhà thuốc, các hãng taxi… Đồng thời, thành lập đội hình thanh niên tình nguyện thành phố Huế với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Hue-S và Ví điện tử trên Hue-S, hỗ trợ các cơ sở Đoàn Khối thanh niên phường, xã khi có khó khăn.
Đội hình thanh niên tình nguyện thành phố Huế nhận nhiệm vụ.
Đến nay, Ví điện tử trên Hue-S đã được khá nhiều người dân hưởng ứng cài đặt và sử dụng với con số đã đạt trên 21.000 tài khoản đăng ký và hơn 400 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn tỉnh.