Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Gia đình và dòng họ Thừa Thiên Huế trong lịch sử
Ngày cập nhật 15/02/2019

TTH - Từ góc nhìn lịch sử và văn hóa về gia đình và dòng họ, “gia đình - dòng họ và làng xã” là hai yếu tố quan trọng in đậm trong giá trị văn hóa của dân tộc.

Khi cuốn sách gia đình và dòng họ Thừa Thiên Huế trong lịch sử vừa mới ra mắt bạn đọc, cũng là lúc đề tài khoa học cấp tỉnh “Vai trò gia đình và dòng họ trong việc phát triển xã hội Thừa Thiên Huế hiện nay” do Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Thừa Thiên Huế chủ trì (nghiệm thu năm 2017) đạt giải nhất Giải thưởng Khoa học và sáng tạo công nghệ Thừa Thiên Huế năm 2018. Giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn và niềm vui của những người trong cuộc như được nhân đôi. Nói chính xác hơn, cuốn sách là sản phẩm kết tinh của “ba trong một” (đề tài khoa học, cuộc hội thảo cùng tên, cuốn sách) đó cũng là quy trình xuất bản sách khá quen thuộc mang dấu ấn sử học của Hội KHLS Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây.

Nội dung cuốn sách gồm 25 bài tham luận khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, được chia thành ba phần chính: 1.Về những vấn đề của gia đình và dòng họ; 2. Về gia đình; 3. Về dòng họ; cách bố cục này vừa chặt chẽ, lôgic, vừa hợp lý, thuận tiện cho người đọc khi tiếp cận và sử dụng.

Về những vấn đề của gia đình và dòng họ

Từ góc nhìn lịch sử và văn hóa về gia đình và dòng họ, “gia đình - dòng họ và làng xã” là hai yếu tố quan trọng in đậm trong giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu như làng xã là nơi lưu giữ truyền thống đoàn kết, truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm thì gia đình – dòng họ là cái nôi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, lễ nghĩa của con người Việt Nam”(1). Nhận định xác đáng này, giúp người đọc thấy rõ vai trò của gia đình - dòng họ và làng xã ở Thừa Thiên Huế trong lịch sử.

Dấu ấn gia đình và dòng họ được thế hiện đậm nét trong quá trình hình thành các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống lâu đời và đa dạng ở Thừa Thiên Huế với các nghề: đúc đồng, rèn, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đan đệm, đan lát, gốm, tranh thêu, làm tranh….; gia đình và dòng họ chính là cái nôi ươm mầm và nuôi dưỡng nên những bàn tay khéo léo, duy trì và phát triển nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Nó còn biểu hiện rõ trong sự nghiệp giáo dục, khoa bảng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hiện nay. Từ những vấn đề khái quát chung về gia đình và dòng họ, để có cái nhìn cụ thể về gia đình - dòng họ.

Về gia đình

Tuy xuất phát từ những góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau, nhưng các tác giả đều có chung nhận định: “gia đình là một đặc trưng cơ bản của văn hóa Huế được hình thành rất sớm và biến đổi qua các thời kỳ lịch sử, nhưng đến nay, truyền thống yêu nước của nhiều gia tộc, nét đặc trưng về văn hóa hôn nhân, gia phong, gia pháp, gia giáo, cấu trúc ngôi nhà vẫn còn  đậm nét quá khứ của vùng đất kinh kỳ” (2). Vì sao mẫu gia đình “cư Nho mộ Thích” được người Huế chọn, nó hài hòa và bền vững qua nhiều biến động của lịch sử. Điều này đã được tác giả Phan Đăng phân tích ngắn gọn (thay cho câu trả lời): “trong gia đình mọi người tự biết bổn phận của mình (Nho); tôn trọng, thương yêu đùm bọc nhau với tinh thần vị tha hỷ xả (Phật), nên gia đình của người Thừa Thiên Huế luôn đề cao sự hòa thuận, coi hòa thuận là yếu tố cơ bản cho sự bền vững của gia đình”.

Trong khi gia đình nhiều thế hệ gần như bị gia đình cá thể lấn lướt ở khắp mọi nơi, nhưng ở Huế còn tồn tại khá phổ biến và được nhiều gia đình chấp nhận, tự hào xem đó như là sức sống văn hóa gia đình nơi đây. Gia đình xứ Huế gắn với gia phong xứ Huế, với di sản phủ đệ, nhà vườn, Hoàng tộc, Tôn thất… là những nét văn hóa đặc sắc, còn tồn tại cho đến ngày nay.

Về dòng họ

PGS. TS. Đỗ Bang đã khái quát “Thừa Thiên Huế có dòng họ vua chúa, quan chức quý tộc, khoa bảng, dòng họ làm thầy (thầy giáo, thầy thuốc, thầy chùa), dòng họ kinh doanh…; tính đa dạng về dòng họ ở Thừa Thiên Huế đã tạo nên bức tranh với nhiều sắc màu độc đáo ở vùng đát kinh kỳ”. Các dòng họ tiêu biểu và nổi tiếng, như: Nguyễn Phước, Tôn Thất, Nguyễn Tri, Hoàng Trọng, Thân, Hồ, Trần Tiễn… đã được các tác giả dày công tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra những tư liệu có giá trị, những nhận định mới lạ, thể hiện nét đặc sắc riêng có của dòng họ nơi đây.

Vấn đề trong nghiên cứu khoa học không hẳn là các gì quan trọng hơn cái gì, mà ở góc nhìn và cách tiếp cận, nội dung của cuốn sách đã cho thấy rõ điều đó. Nghiên cứu, xác định tính đặc thù của truyền thống gia đình – dòng họ ở Thừa Thiên Huế trong lịch sử đã khó, nhưng việc bảo tồn và phát huy truyền thống đó trong xu thế hội nhập và phát triển càng khó hơn. Tuy nội dung của cuốn sách chưa đề cập đến những tác động của những vấn đề khác đối với gia đình – dòng họ hiện nay nhưng đã cung cấp một cách khoa học về yếu tố lịch sử trong việc cấu thành, biến đổi, và một số vấn đề về gia đình và dòng họ đặt ra hiện nay. Đó chính là điểm nhấn góp phần gợi mở về nhận thức, cách tiếp cận, chọn bước đi phù hợp, tìm đột phá… trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống gia đình và dòng họ.

Lê Viết  Xuân

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 320.067
Truy cập hiện tại 265