Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
“Bữa cơm gia đình” với người thương binh ở Phường Vỹ Dạ (Huế)
Ngày cập nhật 30/07/2024

Ngày Thương Binh- Liệt sĩ 27/7 năm nay tôi may mắn được Hội Phụ nữ và Hội Nông dân Phường Vỹ Dạ (Huế) mời cùng bữa cơm với gia đình thương binh Trần Duy Thành ở Tổ 13. Ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên bờ sông Hương yên bình, thơ mộng.

 
Thương binh Trần Duy Thành (bên trái) đang kể chuyện chiến đấu khi còn ở Biệt động thành

Anh Trần Duy Thành, tuy bước qua tuổi 70, mái tóc lốm đốm bạc nhưng khuôn mặt vẫn ẩn khuất nét đẹp của thời trai trẻ. Nhìn bên ngoài, dáng vẻ anh còn nhanh nhẹn nhưng ai có biết, mỗi khi trái gió trở trời anh lại ôm bụng quặn thắt với những cơn đau chảy nước mắt do di chứng của những trận đòn ở Ngục tù Phú Quốc và vết thương vùng bụng trên cánh đồng Thủy Vân khi anh còn ở Biệt động thành năm 1968.

Anh thương binh Trần Duy Thành
Anh thương binh Trần Duy Thành

Năm Mậu thân 1968, lúc đó anh đang học Cấp 2 Trường phổ thông Hàm Nghi. Cách mạng về, anh xếp bút nghiêng theo quân giải phóng. Đầu tiên được đưa vào Đội công tác Khu phố 5, sau đó vào Biệt động thành Huế… Sau thắng lợi Tổng tấn công xuân Mậu thân, đơn vị Biệt động thành của anh về đóng căn cứ bí mật tại Thôn Sư Lỗ Thượng (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang). Tháng 8/1968, địch về càn quét, tổ chức xăm hầm khu vực này 03 ngày 03 đêm. Anh nằm chung hầm với người bạn chiến đấu ở cùng quê hương Vỹ Dạ. Nằm hầm đến đêm thứ 03, nhịn đói, khát, anh và người bạn chung hầm quyết định mở đường tìm về đơn vị.

Các chị Hội Phụ nữ đang làm bữa cơm gia đình ngày 27/7
Các chị Hội Phụ nữ đang làm bữa cơm gia đình ngày 27/7

Đêm về, màn đêm đặc sánh. Cả hai chỉ mặc quần cộc ôm súng lội qua sông Lợi Nông, theo cánh đồng Thanh Thuỷ Chánh về xã Thuỷ Vân thì bị đội quân Mỹ đông đúc đang phục kích phát hiện. Chúng kêu gọi đầu hàng, cả hai không chịu, tìm đường rút lui trở lại. Trên đường rút, không may anh bị chúng bắn trúng bụng, lồi cả ruột ra ngoài và bị bắt còn người bạn anh trốn thoát được khi chạy men theo bờ hói sông Như Ý, lội núp dưới đám bèo Nhật Bản. Tuy nhiên không quá 01 ngày sau cũng bị bắt đưa về Lao Thừa Phủ

Anh được chúng đưa đi cứu chữa ở Phú Tài (Qui Nhơn) vừa lành thì đày ra Trại tù Phú Quốc. Anh kể cho chúng tôi câu chuyện “nhập trại”. Tuy đã qua mấy mươi năm mà như còn tươi roi rói, anh kể trong giòng nước mắt không dấu được căm hờn.

Trước mặt tù nhân, chúa Đảo Phú Quốc kêu anh lên hỏi: Mày làm nghề gì?. Anh trả lời: Đi học. Tên chúa đảo hét lớn “Không chịu đi học, theo Việt Cộng làm gì. Đánh cho chừa cái ngu của mày ra”. Nói rồi, hắn ta dùng đôi giày Bốt- đờ- sô đang đi đạp ngay vùng bụng, nơi anh bị thương làm anh lộn nhào quằn quại. Chưa hết, tên Chúa đảo kêu 4 cai ngục thay nhau đấm đá anh, với khẩu lệnh “Đừng cho nó rơi xuống đất”. Trận đòn đó kèm với vết thương làm anh mang di chứng đến tận bây giờ…

Chị Hội trưởng Mai Thị Thanh Nhàn sắp món ăn ra đĩa
Chị Hội trưởng Mai Thị Thanh Nhàn sắp món ăn ra đĩa

Năm 1973, sau hơn 05 năm lao tù, khổ sai, anh được bọn chúng trao trả tù binh tại Thạch Hãn (Quảng Trị). Sau thời gian an dưỡng và huấn luyện tại Tuyên Quang anh được đưa trở lại Biệt động thành thuộc Thành đội Huế tiếp tục chiến đấu.

Tháng 3/1975, sau nhiều trận chiến đấu từ trên “Cứ” về, đội quân của anh đã đặt chân xuống khu vực xã Thủy Xuân (nay là phường Thủy Xuân, TP Huế). Từ đây nhìn về Huế đã thấy rõ. Tuy thông tin cho biết địch đã vứt vũ khí, xe pháo bỏ chạy hết về biển Thuận An nhưng không lấy gì bảo đảm. Lúc đó Thành đội phó (quyền Thành đội trưởng) Nguyễn Như Văn họp đội, đề nghị 02 người quen đường đi lối lại ở Huế xung phong về trinh sát. Anh và 01 người bạn tên Ý (quê huyện Phú Lộc) xung phong đi. Ông Văn chỉ ra mệnh lệnh ngắn gọn “Cả Đội chờ tin của 2 chiến sĩ cảm tử. Các Đồng chí phải trở về báo tin trước lúc trời sáng”

Cả nhà quây quần bên Bữa ăn gia đình thương binh
Cả nhà quây quần bên Bữa ăn gia đình thương binh

Lúc đó là 03g sáng ngày 26/3/1975. Nhận lệnh, anh biết chỉ huy “buộc” các anh, dù nguy hiểm mấy cũng phải sống và hoàn thành nhiệm vụ. 2 anh từ khu vực Lăng Tự Đức, tìm cách xâm nhập về Huế; vác vũ khí trên vai vừa đi vừa chạy. Đến sau lưng Chùa Từ Đàm, anh nhìn vào một ngôi nhà thấy có chiếc xe ô tô màu trắng đậu trước sân. Hội ý nhanh với người bạn, anh phân tích đây là xe dân sự, chắc chắn trong nhà có người biết lái. Nếu chạy bộ, dù không gặp trở ngại thì trở về cũng muộn nên 02 anh quyết định vào ngôi nhà kia. Cửa vừa mở, có người đàn bà ôm con nhỏ ra mở, anh nói đanh chắc: Cách mạng tạm trưng dụng xe về Thành phố, nhờ gia đình đưa đi dùm! Anh chồng đang trốn trong phòng nghe vậy chạy ra xung phong đưa đi ngay. Người vợ thì không dấu được vẻ sợ sệt, còn đứa con đang bồng trên tay đòi đi theo ba. Anh phải dỗ dành: Chị yên tâm, cháu không đi được, ba sẽ trở về!

Xe ô tô lao vun vút về hướng Thành phố Huế.  Qua Tòa Đại biểu thấy có quân Giải phóng bồng súng gác; rồi dinh tỉnh trưởng, trại lính bên khách sạn Hương Giang đều có quân Giải phóng, anh biết là mũi Phú Vang đã tiến lên đánh chiếm. Xe vòng qua bên kia sông Hương, đến chợ Đông Ba, Gia Hội, đồn Mang Cá… các bốt Cảnh sát cũng có quân giải phóng từ Hương Trà tiến vào đánh chiếm. Yên tâm, anh cho quay xe về báo cáo. Đến nhà người tài xế, anh cho anh ta vào không quên nói lời cám ơn và tiếp tục chạy bộ về đơn vị. Chỉ huy thấy 02 anh về sớm không khỏi ngạc nhiên. Khi nghe báo cáo sự việc mới hiểu mọi chuyện và gấp rút tiến nhanh về Trung tâm thành phố, tiếp quản các đơn vị theo kế hoạch.

các Đoàn viên Thanh niên làm vệ sinh khu vườn cho thương binh Trần Duy Thành
Các Đoàn viên Thanh niên làm vệ sinh khu vườn cho thương binh Trần Duy Thành

Sau giải phóng anh về Thành Đội công tác và một thời gian sau về nghỉ hưởng chế độ thương binh cho đến nay. Anh nói, đời quân ngũ tôi không thấy tiếc cái gì cả. Cả tuổi trẻ tôi đều cống hiến cho đất nước, đóng góp cả xương máu, bị tù đày, khổ sai… Chỉ tiếc là quên không hỏi tên người đã lái xe giúp mình rạng sáng ngày 26/3/1975. Nhờ anh ta nên Đội quân Biệt động của mình đã hoàn thành kế hoạch sớm, tiến chiếm các cơ sở quân sự, tiếp quản các cơ sở dân sự sớm, không đổ máu… Nói ra anh ta là người có công, nếu gặp lại gia đình anh ấy có lẽ là vui lắm!

Bây giờ anh sống với cháu. Vợ anh là người đồng chí chung chiến hào chẳng may mất sớm nên anh tìm vui bên cánh đồng bắp (ngô), cây rau, củ sắn. Anh xung phong vào các hoạt động của địa phương, làm Trưởng Ban Công tác mặt trận Dân phố, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… ở đâu cũng thấy mặt anh thương binh Trần Duy Thành

Anh Trần Duy Thành (đứng giữa)
Anh Trần Duy Thành (đứng giữa)

Nhìn chị Mai Thị Thanh Nhàn- Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vỹ Dạ, chị Thìn cán bộ phụ nữ Dân phố, các em trong Đoàn Thanh niên tham gia làm vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm gia đình tươm tất để anh Thành thắp hương tưởng nhớ người vợ- Người bạn chiến đấu của mình trong ngày 27/7; nhìn anh Đức, anh Thuận, anh Quốc… trong Hội Nông dân giúp anh Thành chăm sóc khu vườn nhỏ. Tôi không biết nói sao, chỉ thầm nghĩ: Cám ơn anh thương binh Trần Duy Thành và các anh Biệt Động thành đã đóng góp xương máu của mình để làm nên ngày chiến thắng hôm nay. Cám ơn Đảng ủy, các tổ chức, đoàn thể của Phường Vỹ Dạ đã có suy nghĩ về bữa cơn gia đình và những việc làm thiết thực chăm lo cho gia đình Thương binh Liệt sĩ! Tôi mong ước, hoạt động tình nghĩa này sẽ lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Vì Huế là mảnh đất ân tình. Người dân Huế  luôn sống thủy chung, sâu nặng…

                                                                                                                                                      

Trần Minh Tích
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 320.067
Truy cập hiện tại 247