Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số Quy định của Pháp luật về đăng ký khai sinh
Ngày cập nhật 04/07/2018

Quyền được khai sinh và có quốc tịch là một trong những quyền quan trọng và đầu tiên của trẻ em đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Nước CHXHCN Việt Nam và trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989, Công ước Quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị 1966 mà  Nước Việt Nam đã tham gia ký kết.

Một số Quy định của Pháp luật về đăng ký khai sinh

 

Đăng ký khai sinh cho trẻ em không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đăng ký khai sinh cho trẻ em.

 Nhà nước đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh cho trẻ em; cá nhân, tổ chức làm tròn nghĩa vụ đăng ký khai sinh của mình sẽ góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Cơ  quan nào có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em?

1.Thẩm quyền đăng ký khai sinh của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã):

 

1.1 Thẩm quyền theo nơi cư trú:

- Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.

- Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.

- Đối với trường hợp trẻ em sinh ra  bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.

1.2 Thẩm quyền theo đối tượng:

UBND cấp xã có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có: 

- Cha và mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

- Cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch, cư trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam;

- Cha hoặc mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch, cư trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam, còn người kia là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới.

 

2. Thẩm quyền đăng ký khai sinh của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố:  

- Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài, thì Sở Tư pháp, nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh, nếu họ có yêu cầu.

- Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh.

- Trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, thì Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam thực hiện việc đăng ký khai sinh.

 

Thời hạn đăng ký khai sinh? Những người nào có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ em?

1. Thời hạn đăng ký khai sinh không phân biệt khu vực đồng bằng hay miền núi mà  được áp dụng chung thống nhất cho tất cả các vùng miền là 60 ngày, kể từ khi đứa trẻ được sinh ra.

2. Cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Nếu quá thời hạn trên mà trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, thì trẻ em vẫn được đăng ký khai sinh nhưng phải đăng ký theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn

- Người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nếu cơ quan có thẩm quyền đã thông báo mà không tìm thấy cha mẹ.

- Đối với người đủ 18 tuổi trở lên, nếu không thể trực tiếp đến UBND cấp xã có thẩm quyền để thực hiện đăng ký khai sinh cho bản thân, thì có thể uỷ quyền cho người khác làm thay. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.

- Người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền, thì không cần có văn bản uỷ quyền

 

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện như thế nào?

Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.

 

Trẻ chết sơ sinh có phải đăng ký khai sinh- khai tử không?

Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử.

Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ "Trẻ chết sơ sinh".

 

Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú?

Con ngoài giá thú là con của người cha và người mẹ không đăng ký kết hôn với nhau.

Việc đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú vẫn được thực hiện như đối với khai sinh cho con trong giá thú. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Không bắt buộc người mẹ phải khai về cha đứa trẻ;

- Họ và dân tộc của trẻ được xác định theo họ và dân tộc của người mẹ;

- Phần khai về người cha của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh phải để trống, tuyệt đối không gạch chéo, không viết gì khác vào phần khai này;

- Chỉ ghi thông tin về người cha khi đã có Quyết định công nhận việc cha nhận con có hiệu lực của UBND cấp xã hoặc của Toà án nhân dân;

- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú mà có người nhận là cha của đứa trẻ và đề nghị được ghi tên vào phần khai về người cha, thì  có 02 cách giải quyết sau:

Trường hợp 1: Nếu việc nhận con là tự nguyện và không có tranh chấp, thì kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo thủ tục đăng ký hộ tịch.

Khi kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh thì được phép xác định họ, dân tộc của người con theo họ, dân tộc của người cha (nếu cha và mẹ có thoả thuận) ngay từ thời điểm đăng ký khai sinh; được phép ghi ngay tên của người cha vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh.

Trường hợp 2: Nếu việc cha nhận con có tranh chấp, thì cán bộ Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn người cha làm thủ tục nhận con tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Khi quyết định công nhận cha cho con của Toà án nhân dân có hiệu lực thì mới được làm các thủ tục khác như: ghi bổ sung vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con; xin thay đổi họ và xác định lại dân tộc cho người con theo họ và dân tộc của người cha.

 

Đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi?

Trẻ bị bỏ rơi bao gồm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh.

Những trường hợp này cần lưu ý mấy điểm sau:

- Cơ quan có trách nhiệm lập biên bản xác định tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là UBND cấp xã hay công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Phải kiểm tra tính hợp thức của biên bản.

- Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

 

a) Đối với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi:

Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ em bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành 02 bản, 01bản được lưu tại UBND cấp xã, nơi lập biên bản, 01 bản giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng đứa trẻ.

UBND cấp xã nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 03 lần trong 03 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ thì người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh được để trống, tuyệt đối không được gạch chéo. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "Trẻ bị bỏ rơi".

Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch (nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ) căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân nên phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

 

b) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh:

Việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện tương tự như trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "Trẻ bị bỏ rơi".

 

Đăng ký lại việc sinh cho trẻ em được quy định như thế nào?

1.Chỉ thực hiện đăng ký lại việc sinh khi có đủ 02 điều kiện sau:

- Sự kiện sinh đó đã được đăng ký;

- Hiện tại bản chính và sổ gốc đã mất hoặc bị hư hỏng mà không thể sử dụng được.

2.Thẩm quyền đăng ký lại việc sinh: Có thể lựa chọn một trong hai nơi sau đây để yêu cầu thực hiện việc đăng ký lại:

- UBND cấp xã, nơi đương sự cư trú; hoặc

- Nơi đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nuôi con nuôi trước đây.

3. Thủ tục đăng ký lại việc sinh:

Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh cho trẻ em phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định).

Trong trường hợp đăng ký lại tại Ủy ban nhân dân cấp xã, không phải nơi trẻ em đã đăng ký khai sinh trước đây, thì Tờ khai phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình được bản sao Giấy khai sinh đã cấp hợp lệ trước đây.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy khai sinh. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đăng ký lại (nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và dưới tiêu đề của bản chính Giấy khai sinh phải ghi rõ "Đăng ký lại".

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Khi đăng ký lại việc sinh, nếu người đi đăng ký lại xuất trình bản sao Giấy khai sinh đã cấp hợp lệ trước đây, thì nội dung khai sinh được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch đó.

Trường hợp đăng ký lại việc sinh cho trẻ em không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, mà trong các hồ sơ giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký lại việc sinh. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.

 

Đăng ký khai sinh quỏ hạn cho trẻ em được quy định như thế nào?

Việc khai sinh đăng ký sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh trẻ em thì phải đi đăng ký theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn

Người đi đăng ký khai sinh quá hạn cho trẻ em phải nộp các giấy tờ theo quy định như khi đăng ký khai sinh đúng hạn.

Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "Đăng ký quá hạn."

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.

Khi đăng ký khai sinh quá hạn cho trẻ em đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh của trẻ em.

 

 

Nguyễn Tuấn Khanh (Theo tin Pháp luật )
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 291.610
Truy cập hiện tại 4.035